Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

ANTD.VN -
Công an Hà Nội công bố và trao quyết định đặc xá tại Trạm tạm giam số 2 cho các phạm nhân cải tạo tốt ngày 1-9-2021

Công an Hà Nội công bố và trao quyết định đặc xá tại Trạm tạm giam số 2 cho các phạm nhân cải tạo tốt ngày 1-9-2021

Điều 8. Trình tự, thủ tục khen thưởng

1. Khen thưởng phạm nhân

Trước khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thường xuyên hoặc chuyên đề, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân chủ trì, tổ chức cho phạm nhân kiểm điểm tự đánh giá kết quả, thành tích tham gia phong trào thi đua, các phạm nhân thảo luận, phát biểu ý kiến, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay và phải đạt từ hai phần ba số phạm nhân dự họp trở lên đồng ý đề nghị khen thưởng cho những phạm nhân thực sự tiêu biểu, có thành tích xuất sắc. Phạm nhân được bình xét, đề nghị khen thưởng phải viết báo cáo thành tích, trường hợp không biết chữ, già yếu, khuyết tật, phạm nhân là người nước ngoài không biết tiếng Việt không tự viết được thì nhờ phạm nhân khác viết hộ, sau đó đọc lại cho phạm nhân được đề nghị khen thưởng nghe, ký tên hoặc điểm chỉ vào báo cáo thành tích. Quản giáo gửi biên bản, danh sách phạm nhân đề nghị khen thưởng, kèm theo báo cáo thành tích của phạm nhân về Ủy viên thư ký Tiểu ban để rà soát, đối chiếu, báo cáo Tiểu ban thi đua, khen thưởng xét duyệt, đề nghị khen thưởng.

2. Khen thưởng tập thể đội phạm nhân

Trước khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thường xuyên hoặc chuyên đề, cán bộ quản giáo chủ trì họp đội phạm nhân thảo luận, đề nghị mức khen thưởng cho Đội phạm nhân, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay và phải đạt từ hai phần ba số phạm nhân dự họp trở lên đồng ý đề nghị khen thưởng cho đội phạm nhân của mình. Đội phạm nhân làm báo cáo thành tích, sau đó quản giáo chuyển kết quả về Ủy viên thư ký Tiểu ban để rà soát, đối chiếu, báo cáo Tiểu ban thi đua, khen thưởng xét duyệt, đề nghị khen thưởng.

3. Khen thưởng đột xuất

Khi phạm nhân có thành tích đột xuất quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư này, cán bộ quản giáo cho phạm nhân viết báo cáo thành tích (trường hợp lập công phải báo rõ về nội dung, tình tiết đã lập được công). Phạm nhân là người nước ngoài không biết tiếng Việt, thì quản giáo yêu cầu họ viết bản báo cáo thành tích bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước họ, trại giam dịch ra tiếng Việt, có chữ ký của người dịch và xác nhận của Giám thị trại giam. Sau đó, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân chủ trì, tổ chức họp đội phạm nhân, thảo luận, phát biểu ý kiến, sau đó biểu quyết bằng hình thức giơ tay và phải đạt từ hai phần ba số phạm nhân dự họp trở lên đồng ý đề nghị khen thưởng. Quản giáo hoàn thiện hồ sơ chuyển cho Ủy viên thư ký Tiểu ban để rà soát, báo cáo Tiểu ban thi đua, khen thưởng xét duyệt, đề nghị khen thưởng.

4. Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân

a) Giám thị trại giam quyết định thành lập ở mỗi phân trại một Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân. Thành phần gồm: Phó Giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban; Trưởng phân trại làm Phó Trưởng tiểu ban (trường hợp không có Phó Giám thị phụ trách phân trại thì Trưởng phân trại làm Trưởng tiểu ban, 01 Phó Trưởng phân trại làm Phó Trường tiểu ban); các Ủy viên gồm: các Phó Trưởng phân trại, các Tổ trưởng: Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ; cán bộ theo dõi lao động, sản xuất của phân trại, cán bộ y tế phân trại, Tổ trưởng giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường làm Ủy viên thư ký. Tiểu ban thi đua, khen thưởng họp xét, đề nghị khen thưởng cho đội phạm nhân, cá nhân phạm nhân của phân trại.

Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo, đề nghị của quản giáo, Tiểu ban phải họp xét, đề nghị khen thưởng. Khi họp xét đến đội phạm nhân nào, thì quản giáo phụ trách đội phạm nhân đó báo cáo, giải trình các vấn đề các thành viên dự họp nêu ra và phải được từ hai phần ba thành viên Tiểu ban trở lên có ý kiến nhất trí. Sau khi họp xét, đề nghị khen thưởng, Tiểu ban hoàn thiện hồ sơ, danh sách phạm nhân, đội phạm nhân gửi Thư ký Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân để tổng hợp, kiểm tra trước khi trình Hội đồng. Các biên bản họp, danh sách đề nghị khen thưởng, báo cáo thành tích và các tài liệu liên quan của Tiểu ban lưu tại Tổ giáo dục phân trại.

b) Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an quyết định thành lập Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân ở trại tạm giam. Thành phần gồm: Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm Trưởng tiểu ban; Trưởng phân trại quản lý phạm nhân làm Phó Trưởng tiểu ban; các ủy viên gồm: các Phó trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Tổ trưởng Tổ quản giáo, trinh sát, trực trại Cảnh sát bảo vệ, Tổ trưởng giáo dục, hồ sơ làm Ủy viên thư ký. Trình tự, thủ tục xét duyệt, đề nghị khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân như ở phân trại giam.

c) Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh quyết định thành lập Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân ở trại tạm giam Công an tỉnh. Thành phần gồm: Giám thị trại tạm giam làm Trưởng tiểu ban; Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm Phó Trưởng tiểu ban; các ủy viên gồm: các Phó Giám thị, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Tổ trưởng Tổ quản giáo, Đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ giáo dục, hồ sơ, trinh sát, trực trại và Đội trưởng Tham mưu - hậu cần làm Ủy viên thư ký. Trình tự, thủ tục xét duyệt, đề nghị khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân như ở trại giam.

5. Đối với nhà tạm giữ thì trình tự họp đội phạm nhân như ở trại tạm giam, (trường hợp có một vài phạm nhân không thành lập đội thì không họp đội mà căn cứ vào quá trình, kết quả chấp hành án của phạm nhân để đề nghị), cán bộ quản giáo chuyển hồ sơ, danh sách cho Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để kiểm tra, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện duyệt, ký văn bản đề nghị Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 9. Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân

1. Giám thị trại giam quyết định thành lập Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân, do Giám thị làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ làm Phó Chủ tịch, các Ủy viên gồm: các Phó Giám thị, các Trưởng phân trại và các Đội trưởng đội: Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Y tế và bảo vệ môi trường, Hậu cần, tài vụ, Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên thư ký.

Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân họp xét khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân trên cơ sở đề nghị của các Tiểu ban thi đua, khen thưởng. Khi xét đến phân trại giam nào, thì Phó Giám thị phụ trách phân trại hoặc Trưởng phân trại báo cáo danh sách phạm nhân, đội phạm nhân của phân trại đó và giải trình các vấn đề thành viên dự họp nêu ra và phải được hai phần ba thành viên Hội đồng trở lên có ý kiến nhất trí. Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng, Giám thị duyệt, ký quyết định khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân. Đối với các trại giam có quy mô từ hai phân trại trở lên, Giám thị trại giam có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục và hồ sơ duyệt, ký quyết định khen thưởng cho từng phạm nhân, đội phạm nhân.

2. Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an quyết định thành lập Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân ở trại tạm giam. Thành phần gồm: Giám thị trại tạm giam làm Chủ tịch hội đồng; Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm Phó chủ tịch; các ủy viên gồm: các Phó Giám thị, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng Đội tham mưu - hậu cần làm ủy viên thư ký. Trình tự, thủ tục xét duyệt, quyết định khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân thực hiện như ở trại giam.

3. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân của trại tạm giam, nhà tạm giữ, do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh làm Phó Chủ tịch; các ủy viên, gồm: Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; Đội trưởng Đội hướng dẫn thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng thuộc Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Ủy viên thư ký. Trình tự xét khen thưởng thực hiện như đối với phạm nhân, đội phạm nhân ở trại giam. Căn cứ kết quả cuộc họp Hội đồng, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh duyệt, ký quyết định khen thưởng cho phạm nhân, tập thể đội phạm nhân.

4. Trong thời gian chờ Tiểu ban, Hội đồng thi đua, khen thưởng họp, xét khen thưởng hoặc quyết định khen thưởng chưa công bố mà đội phạm nhân có phạm nhân bị xử lý kỷ luật hoặc phạm tội mới, thì dừng việc đề nghị khen thưởng hoặc hủy kết quả khen thưởng đối với phạm nhân và đội phạm nhân đó.

5. Trường hợp phạm nhân hoặc đội phạm nhân khiếu nại về việc khen thưởng thì trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải có văn bản trả lời cho phạm nhân hoặc đội phạm nhân.

Điều 10. Hồ sơ khen thưởng; công bố quyết định khen thưởng

1. Hồ sơ khen thưởng phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề cho phạm nhân, gồm:

a) Báo cáo thành tích của phạm nhân;

b) Biên bản họp đội phạm nhân kèm theo danh sách phạm nhân. Đối với nhà tạm giữ không có đội phạm nhân thì báo cáo đề nghị của quản giáo;

c) Biên bản họp xét đề nghị khen thưởng của Tiểu ban thi đua, khen thưởng kèm theo danh sách phạm nhân hoặc báo cáo của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, kèm theo danh sách phạm nhân kèm theo báo cáo, đề xuất, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

d) Biên bản họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân, kèm theo danh sách phạm nhân;

đ) Quyết định khen thưởng cho phạm nhân.

e) Tài liệu liên quan (nếu có);

Quyết định khen thưởng cho phạm nhân, kèm theo báo cáo thành tích lưu hồ sơ phạm nhân. Nếu quyết định chung kèm theo danh sách nhiều phạm nhân thì tách thành quyết định riêng cho mỗi phạm nhân. Các tài liệu còn lại lưu thành tập hồ sơ chuyên đề phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng phạm nhân tại bộ phận thư ký Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân.

2. Hồ sơ khen thưởng đột xuất hoặc lập công, gồm:

a) Báo cáo thành tích của phạm nhân, trường hợp lập công phải trình bày trung thực, đầy đủ, chính xác tình tiết lập được công, kèm theo đầy đủ các văn bản, tài liệu của việc lập công (trừ tài liệu vì yêu cầu nghiệp vụ);

b) Biên bản họp đội phạm nhân về việc đề nghị khen thưởng phạm nhân (trường hợp khen thưởng vì yêu cầu nghiệp vụ thì không cần tài liệu này), kèm theo danh sách phạm nhân;

c) Báo cáo đề xuất khen thưởng phạm nhân của cán bộ Quản giáo phụ trách đội phạm nhân;

d) Biên bản họp xét đề nghị khen thưởng của Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân, kèm theo danh sách phạm nhân;

đ) Báo cáo đề xuất của Tiểu ban thi đua, khen thưởng hoặc của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kèm theo báo cáo, đề xuất, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

e) Biên bản họp Hội đồng thi đua, khen thưởng cho phạm nhân, kèm theo danh sách phạm nhân;

g) Quyết định khen thưởng cho phạm nhân.

Quyết định khen thưởng cho phạm nhân, kèm theo báo cáo thành tích của phạm nhân phải lưu hồ sơ phạm nhân. Nếu quyết định chung kèm theo danh sách nhiều phạm nhân thì tách thành quyết định riêng cho mỗi phạm nhân. Các tài liệu còn lại lưu thành tập hồ sơ chuyên đề phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng phạm nhân tại bộ phận thư ký của Tiểu ban thi đua, khen thưởng cho phạm nhân. Trường hợp khen thưởng lập công thì lưu toàn bộ tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này vào hồ sơ phạm nhân.

3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng cho đội phạm nhân.

a) Báo cáo thành tích của đội phạm nhân;

b) Biên bản họp đề nghị khen thưởng của đội phạm nhân;

c) Biên bản họp tiểu ban, báo cáo đề nghị của Tiểu ban thi đua, khen thưởng hoặc Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, kèm theo danh sách đội phạm nhân kèm theo báo cáo, đề xuất, Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp;

d) Biên bản họp Hội đồng thi đua, khen thưởng, kèm theo danh sách đội phạm nhân;

đ) Quyết định khen thưởng đội phạm nhân, nếu quyết định kèm theo danh sách nhiều đội phạm nhân thì tách thành quyết định riêng cho từng đội.

Hồ sơ tài liệu khen thưởng cho đội phạm nhân lưu thành tập hồ sơ chuyên đề phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng phạm nhân tại bộ phận thư ký của Hội đồng thi đua khen thưởng cho phạm nhân.

4. Công bố quyết định và thi hành quyết định khen thưởng.

a) Đối với khen thưởng thường xuyên, chuyên đề thì tổ chức công bố vào dịp sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua;

b) Đối với khen thưởng đột xuất hoặc lập công, thì tổ chức công bố quyết định trước tập thể phạm nhân toàn trại, trường hợp vì yêu cầu nghiệp vụ thì cán bộ quản giáo thông báo cho phạm nhân biết;

c) Tiến hành trao, nhận phần thưởng tiền thì trao tượng trưng và hiện vật (nếu có). Đối với thưởng tiền thì chuyển vào lưu ký cho phạm nhân sử dụng.

Phạm nhân cải tạo tốt sẽ được bình xét, đề nghị khen thưởng

Phạm nhân cải tạo tốt sẽ được bình xét, đề nghị khen thưởng

Chương III

XỬ LÝ PHẠM NHÂN VI PHẠM

Điều 11. Các hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật

1. Các hành vi vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân; chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân.

2. Các hành vi vi phạm quy định về danh mục đồ vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù.

3. Các hành vi vi phạm quy định thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử của phạm nhân.

4. Các hành vi vi phạm quy định của Luật Thi hành án hình sự, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này và pháp luật có liên quan.

Điều 12. Thời hiệu xử lý hành vi vi phạm của phạm nhân

1. Thời hiệu xử lý hành vi vi phạm của phạm nhân là thời hạn tính từ thời điểm phạm nhân có hành vi vi phạm đến thời điểm phát hiện hành vi vi phạm mà khi hết thời hạn đó thì phạm nhân có hành vi vi phạm không bị xem xét, xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý hành vi vi phạm của phạm nhân là 01 năm.

2. Nếu trong thời hiệu xử lý hành vi vi phạm mà phạm nhân tiếp tục có hành vi vi phạm mới, thì thời hiệu xử lý hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới. Trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài, thì thời hiệu xử lý hành vi vi phạm của phạm nhân được tính từ thời điểm chấm dứt vi phạm.

Điều 13. Trình tự, thủ tục; thời hạn xử lý phạm nhân vi phạm

1. Khi xử lý phạm nhân vi phạm phải căn cứ các nguyên tắc, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hình thức kỷ luật, thời hạn xử lý hành vi vi phạm quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP để xử lý công bằng, khách quan, kịp thời, nghiêm minh, đúng tính chất, hậu quả, thủ đoạn của hành vi vi phạm, vị trí, vai trò của phạm nhân để phát huy tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, an ninh an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân, xây dựng môi trường giáo dục cải tạo an toàn, lành mạnh.

2. Khi có phạm nhân vi phạm, cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân hoặc cán bộ trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm của phạm nhân phải lập biên bản về hành vi vi phạm, biên bản thu giữ tang vật (đối với các vụ việc tàng trữ, sử dụng các chất kích thích, tiền, điện thoại di động, thiết bị thông tin liên lạc, ghi âm, ghi hình, đồ vật cấm khác…), ghi lời khai phạm nhân (đối với vụ việc phức tạp, nhiều phạm nhân tham gia) và yêu cầu phạm nhân vi phạm viết bản kiểm điểm, báo cáo tường trình vụ việc (trường hợp phạm nhân chống đối không viết kiểm điểm thì phải có người trực tiếp chứng kiến báo cáo tường trình vụ việc); phạm nhân chứng kiến viết báo cáo tường trình (nếu có). Phạm nhân không biết tiếng Việt, mù chữ, tái mù chữ hoặc không viết được vì lý do khách quan, chính đáng khác thì cho phạm nhân khác viết hộ theo nội dung phạm nhân vi phạm đọc và yêu cầu phạm nhân vi phạm ký tên hoặc điểm chỉ vào bản kiểm điểm. Cán bộ quản giáo cho đội phạm nhân họp kiểm điểm, đề nghị hình thức kỷ luật, hoàn thiện hồ sơ đề nghị kỷ luật phạm nhân chuyển ngay về Tổ giáo dục phân trại, kiểm tra phối hợp với Tổ trinh sát, quản giáo để báo cáo Trưởng phân trại, Phó giám thị phụ trách phân trại xem xét, đề xuất kỷ luật phạm nhân, sau đó chuyển ngay hồ sơ về Đội giáo dục và hồ sơ rà soát, kiểm tra, phối hợp với các Đội trinh sát, quản giáo để báo cáo, đề xuất Giám thị trại giam xem xét, quyết định kỷ luật phạm nhân. Đối với trại giam có quy mô từ hai phân trại trở lên, Giám thị có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ ký quyết định kỷ luật phạm nhân. Trường hợp phân trại đóng cách xa trung tâm trại giam từ 20km trở lên, Giám thị có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách phân trại, trên cơ sở báo cáo, đề nghị của Trưởng phân trại xem xét, ký quyết định kỷ luật phạm nhân, sau đó phải chuyển ngay về Đội giáo dục và hồ sơ để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Giám thị trại giam.

Đối với trại tạm giam, quản giáo chuyển hồ sơ về Đội tham mưu - hậu cần để báo cáo, đề xuất Giám thị trại tạm giam xem xét, quyết định kỷ luật phạm nhân. Đối với nhà tạm giữ quản giáo (trường hợp có ít phạm nhân, không thành lập đội phạm nhân thì không họp đội phạm nhân, quản giáo báo cáo, đề xuất bằng văn bản), chuyển về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp báo cáo, đề xuất Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định kỷ luật phạm nhân.

3. Đối với các vụ việc phạm nhân vi phạm nghiêm trọng, bị bắt quả tang hoặc có đầy đủ tài liệu, đồ vật chứng minh hành vi vi phạm hoặc trong tình huống nguy hiểm, cấp bách, cần thiết khác, nhất là xảy ra vào ban đêm, như phạm nhân đánh nhau theo băng, nhóm vùng, miền, địa phương, đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện,… cần xử lý ngay, kịp thời ngăn chặn hậu quả, phòng ngừa giáo dục chung, thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định xử lý kỷ luật ngay. Đối với trại giam, Giám thị có thể ủy quyền bằng văn bản cho Phó Giám thị phụ trách phân trại xem xét, ký quyết định kỷ luật ngay, chuyển hồ sơ về Đội giáo dục và hồ sơ để báo cáo Giám thị, sau đó tổ chức họp đội phạm nhân kiểm điểm phạm nhân vi phạm theo quy định của Thông tư này.

Trường hợp vụ việc vi phạm phức tạp, tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, nhiều phạm nhân vi phạm, chống đối hoặc đối tượng vi phạm nguy hiểm, côn đồ, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe phạm nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc, xử lý đúng người, đúng vị trí, vai trò, tính chất, mức độ vi phạm của từng phạm nhân, thì áp dụng ngay các biện pháp theo quy định của pháp luật để ổn định tình hình, đưa phạm nhân vào buồng giam giữ riêng, trường hợp cần thiết thì điều chuyển phạm nhân.

4. Trường hợp phạm nhân vi phạm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm, thực sự ăn năn hối lỗi về việc vi phạm, nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân phấn đấu sửa chữa lỗi lầm, cải tạo tiến bộ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể không áp dụng các hình thức kỷ luật nhưng phải cử cán bộ có trách nhiệm gặp gỡ, lập biên bản giáo dục, yêu cầu phạm nhân phải viết cam kết không tái phạm, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh và phải lập hồ sơ như phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật và lưu tại Đội giáo dục và hồ sơ.

5. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc xử lý kỷ luật phạm nhân không đúng quy định của pháp luật, thì Giám thị trại giam tổ chức cuộc họp, thành phần gồm: Giám thị, các Phó Giám thị, Trưởng phân trại nơi có phạm nhân vi phạm, các Đội trưởng: Giáo dục và hồ sơ, Trinh sát, Cảnh sát quản giáo, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Y tế và bảo vệ môi trường. Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ báo cáo nội dung, nguyên nhân và đề xuất hủy hoặc thay đổi hình thức kỷ luật đối với phạm nhân. Cuộc họp tiến hành thảo luận, nếu được từ một phần hai thành viên dự họp trở lên có ý kiến nhất trí. Căn cứ kết quả họp, Giám thị trại giam ký quyết định hủy hoặc thay đổi hình thức kỷ luật đối với phạm nhân và thông báo công khai cho phạm nhân biết. Nếu đã hạ mức xếp loại thì xếp loại lại cho phạm nhân theo quy định.

Đối với trại tạm giam, Giám thị triệu tập cuộc họp, thành phần họp gồm: Giám thị, các Phó Giám thị, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng Đội tham mưu - hậu cần, các Tổ giáo dục - hồ sơ, trinh sát, quản giáo, bảo vệ, Y tế của phân trại quản lý phạm nhân. Đội trưởng Đội tham mưu - hậu cần báo cáo nội dung, nguyên nhân và đề xuất hủy hoặc thay đổi hình thức kỷ luật đối với phạm nhân. Trình tự, thủ tục thực hiện như ở trại giam. Đối với nhà tạm giữ, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức cuộc họp, thành phần gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp và cán bộ quản giáo. Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp báo cáo nội dung, nguyên nhân và đề xuất cho phạm nhân. Trình tự, thủ tục thực hiện như ở trại giam.

(Còn nữa)