Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý từ ngày 28-10 đến 28-12-2021 đối với Dự thảo Thông tư Quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm, trước khi ban hành theo thẩm quyền quy định. Tòa soạn An ninh Thủ đô Cuối tuần lần lượt giới thiệu nội dung Dự thảo Thông tư này.

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành thi đua chấp hành án phạt tù, khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm,

Phạm nhân có thành tích phải được khen thưởng kịp thời

Phạm nhân có thành tích phải được khen thưởng kịp thời

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết thi hành về đối tượng, nguyên tắc, tiêu chí thi đua chấp hành án phạt tù, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục khen thưởng phạm nhân.

2. Thông tư này quy định chi tiết thi hành về nguyên tắc, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý phạm nhân vi phạm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Công an nhân dân (sau đây viết gọn là cơ sở giam giữ phạm nhân).

2. Cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị, xét duyệt, quyết định khen thưởng tập thể đội phạm nhân, cá nhân phạm nhân, xử lý phạm nhân vi phạm.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

1. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự trong khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm.

2. Khen thưởng phạm nhân

a) Phạm nhân có thành tích phải được khen thưởng kịp thời, bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nhằm động viên, khuyến khích phạm nhân tích cực thi đua chấp hành án, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án phạt tù.

b) Khen thưởng phải căn cứ vào tính chất, mức độ thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân phạm nhân đã đạt được; mức khen thưởng phải tương xứng với thành tích, kết quả đạt được của tập thể, cá nhân phạm nhân.

c) Một hình thức khen thưởng được tặng nhiều lần cho một tập thể, cá nhân phạm nhân; một thành tích được xem xét khen thưởng bằng một hoặc nhiều hình thức khác nhau quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự; không khen thưởng nhiều lần đối với một thành tích. Trong cùng một phong trào thi đua hoặc kế hoạch chuyên đề, nếu một phạm nhân có nhiều thành tích, thì áp dụng chung khen thưởng một lần, không tách riêng từng thành tích để khen thưởng.

3. Xử lý phạm nhân vi phạm phải bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án hình sự, Điều 20 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự (sau đây viết gọn là Nghị định số 133/2020/NĐ-CP).

Điều 4. Hành vi nghiêm cấm trong khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

1. Khen thưởng không đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, thẩm quyền; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu hoặc can thiệp trái phép, lợi dụng khen thưởng nhằm nâng mức xếp loại chấp hành án phạt tù, đề nghị đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân hoặc vì mục đích vụ lợi khác.

2. Xử lý phạm nhân vi phạm không đúng quy định pháp luật; làm giả, sai lệch hồ sơ xử lý phạm nhân vi phạm; can thiệp trái phép, lợi dụng kỷ luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân.

Điều 5. Biểu mẫu sử dụng trong khen thưởng, xử lý phạm nhân vi phạm

Ban hành kèm theo Thông tư phụ lục 15 (mười lăm) biểu mẫu sử dụng trong khen thưởng phạm nhân, ký hiệu từ KT01 đến KT15; 14 (mười bốn) biểu mẫu sử dụng trong xử lý phạm nhân vi phạm, ký hiệu từ KL01 đến KL14.

Chương II

THI ĐUA CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ, KHEN THƯỞNG PHẠM NHÂN

Điều 6. Thi đua chấp hành án phạt tù

1. Phong trào thi đua chấp hành án phạt tù thường xuyên hàng năm

Hàng năm, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an phát động phong trào thi đua chấp hành án phạt tù trong phạm nhân để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, một năm của công tác thi hành án phạt tù,với các tiêu chí thi đua sau:

a) Phạm nhân nhận thức rõ tội lỗi của mình, ăn năn hối cải, nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và quyết định khác của cơ quan Nhà nước.

b) Phạm nhân thi đua chấp hành Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, các quy định của pháp luật liên quan và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân.

c) Phạm nhân thi đua tích cực, tự giác trong học tập, các chương trình, nội dung, hoạt động giáo dục, lao động, học nghề; lao động có kỷ luật, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành và vượt chỉ tiêu, định mức hoặc tiến độ lao động, công việc được giao; thực hiện tốt yêu cầu an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

d) Phạm nhân thi đua tích cực, tự giác thực hiện tốt quy định nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử văn minh, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

2. Cùng với thời điểm tổng kết công tác năm, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam Bộ Công an tổ chức tổng kết phong trào thi đua thường xuyên và phát động phong trào thi đua năm sau. Sơ kết 6 tháng đầu năm, tổng kết năm phải đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề ra các biện pháp khắc phục để chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo; tổ chức bình xét, đề nghị, quyết định các hình thức khen thưởng cho tập thể đội (tổ) phạm nhân (sau đây viết gọn là đội phạm nhân) và cá nhân phạm nhân.

3. Phong trào thi đua theo đợt (chuyên đề), nhân dịp kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, như: Quốc khánh 2-9; ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và ngày Quốc tế lao động 1-5; ngày giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch); các sự kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, địa phương hoặc ngày kỷ niệm thành lập của cơ sở giam giữ phạm nhân,… Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an phát động phong trào thi đua chuyên đề trong phạm nhân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác trọng tâm, cấp bách hoặc một lĩnh vực trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục, thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân để tập trung thực hiện tốt trong một thời gian nhất định.

Phong trào thi đua chuyên đề phải xác định rõ thời gian, tiến độ thực hiện, thời gian kết thúc, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả và điều kiện, tiêu chuẩn, xác định tỷ lệ, số lượng được khen thưởng cụ thể, để lựa chọn các tập thể đội phạm nhân, cá nhân phạm nhân thực hiện nghiêm chỉnh, có chất lượng, hiệu quả nội dung thi đua, đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu, đủ điều kiện, tiêu chuẩn để khen thưởng. Kết quả khen thưởng phong trào thi đua chuyên đề được ưu tiên khi xét khen thưởng thường xuyên.

4. Các kế hoạch phát động phong trào thi đua chấp hành án phạt tù thường xuyên hoặc chuyên đề phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp, tiến độ thực hiện cụ thể, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương, đảm bảo khả thi, tổ chức cho phạm nhân, đội phạm nhân đăng ký thi đua để phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của phạm nhân. Không khen thưởng cho đội phạm nhân, cá nhân phạm nhân không đăng ký thi đua. Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương đội phạm nhân, cá nhân phạm nhân điển hình đã lập thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua.

5. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho phạm nhân, đội phạm nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, đạt giải thưởng trong hội thi, hội thao, hội diễn hoặc lập được công hoặc cung cấp, báo cáo giúp phát hiện, ngăn chặn được hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, chống phá nghiêm trọng, như: phạm nhân đánh nhau, chống phá tập thể; cất giấu hung khí nguy hiểm; ma túy, điện thoại di động, các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, giam giữ, giáo dục mà phạm nhân có thể lợi dụng vi phạm,… nhưng chưa đến mức được coi là lập công.

Phạm nhân lập công là người đã có hành động cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo, cứu được tài sản của Nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, dịch bệnh, sự kiện bất khả kháng hoặc giúp cơ sở giam giữ phạm nhân phát hiện, ngăn chặn được âm mưu chống phá, trốn khỏi nơi giam giữ, bắt được phạm nhân trốn khỏi nơi giam, ngăn chặn được hành vi phá hoại hoặc giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, điều tra, truy bắt được tội phạm đã được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xác nhận, Thủ trưởng cơ quan điều tra xác nhận, đề nghị bằng văn bản. Trường hợp có phát minh, sáng chế, sáng kiến có giá trị phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Kết quả khen thưởng đột xuất được ưu tiên khi xét khen thưởng thi đua thường xuyên.

Điều 7. Điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng

1. Phạm nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua thường xuyên là những phạm nhân có thành tích, kết quả tiêu biểu trong thực hiện các nội dung, tiêu chí thi đua quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

a) Khen thưởng sơ kết 6 tháng đầu năm phải có quý I, II xếp loại chấp hành án phạt tù loại tốt, thời gian tiếp theo được nhận xét, đánh giá xếp loại tốt.

b) Khen thưởng tổng kết năm: phạm nhân phải có 4 quý trong năm đều xếp loại tốt hoặc có 8 quý liền kề liên tục trong 2 năm xếp loại khá, tốt nhưng phải đảm bảo có ít nhất 4 quý xếp loại tốt, trong đó quý liền kề trước thời điểm xét khen thưởng xếp loại tốt, thời gian tiếp theo được nhận xét, đánh giá, xếp loại tốt. Trường hợp có 4 quý trong năm xếp loại khá, tốt nhưng phải đảm bảo có ít nhất 2 quý xếp loại tốt, trong đó quý liền kề trước thời điểm xét khen thưởng xếp loại tốt, thời gian tiếp theo được nhận xét, đánh giá xếp loại tốt và năm liền kề trước đó đã được khen thưởng.

Cùng với các điều kiện, tiêu chuẩn trên, đối với phạm nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua chuyên đề, đạt giải thưởng hoặc khen thưởng đột xuất được ưu tiên khi xét khen thưởng. Đội trưởng Đội phạm nhân phải đạt từ đội tiêu biểu trở lên mới được đưa vào diện xét khen thưởng. Những phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, không nơi nương tựa, không xác định được thân nhân, phạm nhân là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có 08 quý liền kề liên tục trong 2 năm xếp loại khá, đạt giải thưởng hoặc có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được quyết định khen thưởng trong phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất được xem xét, đề nghị khen thưởng. Căn cứ tính chất, mức độ thành tích, kết quả của từng phạm nhân để quyết định một hoặc nhiều hình thức khen thưởng quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Thi hành án hình sự cho phù hợp. Tỷ lệ phạm nhân được khen thưởng không vượt quá 15% tổng số phạm nhân đang quản lý của cơ sở giam giữ phạm nhân. Cơ sở giam giữ phạm nhân có từ 10 phạm nhân trở xuống lựa chọn 01 phạm nhân để khen thưởng.

2. Khen thưởng Đội phạm nhân trong phong trào thi đua thường xuyên được chia theo các mức: Tiêu biểu xuất sắc; tiêu biểu; đạt tiêu chí.

a) Đội phạm nhân tiêu biểu xuất sắc là những đội chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, quy định pháp luật và quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân; tự giác rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện tốt các quy định về giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân; không có phạm nhân phạm tội mới, chết không do nguyên nhân bệnh lý; không có phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật; tự giác, gương mẫu, tích cực trong học tập, tham gia các hoạt động giáo dục, lao động, học nghề, hoàn thành vượt chỉ tiêu, định mức, tiến độ kế hoạch lao động hoặc công việc được giao; thực hiện tốt các quy định lễ tiết, tác phong, văn hóa, giao tiếp, ứng xử, trật tự nội vụ nếp sống, sinh hoạt, vệ sinh, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tỷ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt đạt từ 90% trở lên, không có phạm nhân xếp loại kém. Tỷ lệ đội phạm nhân tiêu biểu xuất sắc không vượt quá 10% tổng số đội phạm nhân của cơ sở giam giữ phạm nhân.

b) Đội phạm nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua là những đội phải đạt các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Đối với tiêu chí hoàn thành vượt chỉ tiêu, định mức, tiến độ kế hoạch lao động, công việc được giao chưa thường xuyên đạt; tỷ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt đạt từ 85% trở lên, không vượt quá 1 phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật và 1 phạm nhân xếp loại kém. Đối với đội có từ 15 phạm nhân trở xuống thì có 1 phạm nhân xếp loại kém, không có phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật. Tỷ lệ đội phạm nhân tiêu biểu không vượt quá 25% tổng số đội phạm nhân của cơ sở giam giữ phạm nhân.

c) Đội phạm nhân đạt tiêu chí là những đội phải đạt các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Đối với tiêu chí hoàn thành vượt chỉ tiêu, định mức, tiến độ kế hoạch lao động, công việc được giao chưa đạt; tỷ lệ phạm nhân xếp loại khá, tốt đạt từ 80% trở lên, không vượt quá 2 phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật và 2 phạm nhân xếp loại kém. Đối với đội có từ 15 phạm nhân trở xuống thì có 1 phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật và 1 phạm nhân xếp loại kém.

d) Đối với đội phạm nhân trọng điểm thì số lượng phạm nhân vi phạm kỷ luật và xếp loại kém cao hơn 1 phạm nhân, tỷ lệ xếp loại khá, tốt thấp hơn 5% so với các quy định tại các điểm a, b, c, khoản 2 Điều này. Đối với các đội phạm nhân trong kỳ xét khen thưởng mà có phạm nhân bị xếp loại kém hoặc xử lý kỷ luật phải điều chuyển đến đội phạm nhân khác thì tính vào thành tích của đội phạm nhân đó, không tính vào đội tiếp nhận phạm nhân. Trường hợp phạm nhân tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện bị buộc đưa trở lại tiếp tục chấp hành phần còn lại của án phạt tù hoặc trích xuất trả lại, số vi phạm từ trại tạm giam chuyển đến mà theo quy định của pháp luật bị xếp loại kém, thì không tính vào thành tích chung của đội phạm nhân.

đ) Đội phạm nhân chưa đạt tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều này không đưa vào diện xét, đề nghị khen thưởng.

3. Tùy theo mức độ thành tích tiêu biểu, xuất sắc của tập thể, cá nhân phạm nhân để xem xét, quyết định mức thưởng tiền hoặc hiện vật cho phù hợp. Mức thưởng tiền hoặc hiện vật quy đổi thành tiền cho cá nhân thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP. Để đảm bảo công bằng, tiền thưởng cho mỗi phạm nhân trong các Đội phạm nhân cùng đạt mức thi đua như nhau phải bằng nhau. Mỗi phạm nhân của Đội phạm nhân tiêu biểu xuất sắc được thưởng tối đa 500.000 đồng/lần/phạm nhân. Lấy mức tiền thưởng cho một phạm nhân của đội tiêu biểu xuất sắc là 100%, thì một phạm nhân đội tiêu biểu được thưởng 70%, đội phạm nhân đạt tiêu chí thi đua được thưởng 40% so với mức tiền thưởng cho một phạm nhân của đội phạm nhân tiêu biểu xuất sắc.

4. Tiền thưởng được chuyển vào lưu ký để phạm nhân sử dụng theo quy định; hiện vật thưởng có giá trị sử dụng trong sinh hoạt, học tập của phạm nhân và không thuộc danh mục đồ vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù. Tiền thưởng của Đội phạm nhân được sử dụng trong hoạt động, sinh hoạt tập thể của đội hoặc chuyển vào lưu ký của từng phạm nhân để sử dụng.

(Còn tiếp)