Cảm, cúm
Sau kỳ nghỉ Tết, quá trình thức khuya, giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, mệt mỏi với việc đi lại khiến cho hệ miễn dịch của một số người yếu đi, dễ bị virus cảm lạnh, cảm cúm “hỏi thăm”. Thông thường, cảm lạnh sẽ kết hợp với triệu chứng như chảy nước mũi, ho hay đau họng còn virus cúm sẽ tấn công mạnh hơn, gây sốt và nhức mỏi toàn thân. Để phòng bệnh, tốt nhất là thực hành vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng và nước. Khi đã mắc bệnh, nên nghỉ ngơi đầy đủ. Có thể làm giảm triệu chứng với thuốc không cần kê đơn, như dùng thuốc ho hỗn hợp để giảm bớt ho và paracetamol để giảm đau, hạ sốt. Nhưng nếu sụt sịt mũi hoặc ho kéo dài hơn một tuần, nên đi khám.
Trong khi đó, Đông y quan niệm cảm mạo có 2 dạng. Một là cảm lạnh, chẳng hạn như người ớn lạnh, rét run, chảy nước mũi. Khi đó, uống thứ gì đó “ấm” như uống nước nóng có một lát gừng tươi có thể làm dịu các triệu chứng. Hai là dạng cảm “nóng” với các dấu hiệu đau họng, lưỡi đỏ, chảy máu cam, đờm đặc và xanh. Bài thuốc cho trường hợp này là uống các loại trà giải nhiệt.
Rối loạn tiêu hóa
Khó tiêu hoặc tiêu chảy cũng là hiện tượng thường gặp sau Tết vì chúng ta ăn quá nhiều những thứ bất lợi cho dạ dày. Tiêu chảy là dấu hiệu của viêm dạ dày ruột, nhiễm siêu vi, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng từ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm. Còn nếu ai nghĩ rằng nghỉ Tết là lý do để ăn thỏa sức thì họ có thể phải trả giá vì chứng khó tiêu. Quá trình tiêu hóa, trong đó có chuyển hóa thức ăn từ dạ dày xuống ruột cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng thường mất từ 4-5 tiếng. Vì dạ dày có sức chứa cố định nên nếu bị nhồi, nó sẽ không có đủ thời gian để xử lý thức ăn. Hậu quả là bụng chướng, buồn nôn, đôi khi cả hiện tượng khó tiêu kết hợp với trào ngược axit, ợ nóng. Vì vậy, để tránh rối loạn tiêu hóa, nên chia thành bữa nhỏ trong ngày, ăn nhẹ và tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ.
Viêm họng
Một người bị viêm họng, ho khi tần suất tiếp xúc với người khác trong dịp lễ Tết tăng lên thì nguy cơ lây lan cũng sẽ tăng lên. Kích hoạt cho bệnh viêm họng thường là virus hoặc vi khuẩn đi kèm với cảm hoặc các bệnh đường hô hấp trên. Trong khi đó, viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn thì biểu hiện nặng hơn, gây sốt, nổi hạch, rát họng tới nỗi khó nuốt hoặc thậm chí mất tiếng. Các nguyên nhân khác của viêm họng bao gồm thở bằng miệng trong lúc ngủ và hút thuốc, cả hai đều khiến cổ họng khô và đau nhức, rồi hệ quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang khi nước mũi chảy sau họng gây ra kích ứng cổ họng.
Lời khuyên của các bác sỹ là hãy uống đủ nước, đó cũng là một cách bôi trơn cổ họng. Nếu đau họng, nên dùng viên ngậm hoặc súc miệng nước muối để giảm đau tạm thời. Cung cấp độ ẩm cũng là giải pháp hữu ích nhằm làm giảm các triệu chứng, đặc biệt là chứng viêm họng do hít thở không khí khô qua miệng. Khi viêm họng kèm theo nổi hạch, cần đi khám để xác định đúng nguyên nhân, từ đó dùng thuốc điều trị.