Đốt tiền tỷ

ANTĐ - Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, chỉ riêng thành phố Hà Nội đã tiêu tốn xấp xỉ… 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Một con số giật mình. Con số này đã làm đau đầu những người quản lý văn hóa, bởi vì càng tuyên truyền nhiều thì người dân lại càng đổ nhiều tiền vào việc đốt vàng mã, đến nỗi nhiều chuyên gia đã phải than rằng việc hạn chế đốt vàng mã chỉ riêng một bộ, một ngành chẳng thể làm được.

Vàng mã cũng phải “sành điệu”

Những năm gần đây đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở việc đốt một ít tiền vàng tượng trưng để hóa cho ông bà, tổ tiên nữa. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, mỗi ngày người dân đã đốt thành khói bụi hàng tấn giấy, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Không chỉ là quần áo, giày dép, tiền, vàng mã (thứ đã đủ khiến người ta hoa mắt, bởi vì nó quá nhiều chủng loại, cõi trần có bao nhiêu loại tiền thì cõi âm cũng như vậy và nhiều loại còn làm y chang như thật) mà đến thời điểm này người ta có thể đốt thôi thì đủ thứ. Ông bà dưới cõi âm thì cần xe đẹp, ô sin, nhà tầng. Có người tâm lý còn hóa theo cho bố “bà bé” để bố ở dưới đó đỡ cô quạnh.

Nhà nọ đại gia có con chết sớm, bố mẹ sợ cậu ấm ở dưới đó thiếu thốn nên hóa nào điện thoại di động, nhà cao tầng, xe hơi, máy bay, người giúp việc, bạn gái… Bạn gái cho con thì cũng phải “sành điệu”, phải mắt xanh, môi đỏ, giày cao cót, váy ngắn, áo hai dây… Còn có nhà thì sắm cho cô con gái yểu mệnh nào quần áo, váy, túi xách, giày dép, nhẫn kim cương, đồng hồ…, mà loại thường cũng chẳng được, phải là Louis Vuitton, Chanel, Gucci… vì hồi sống cô toàn dùng hàng hiệu. Có ông giám đốc chẳng may đột tử, thế là vợ ra Hàng Mã sắm hết biệt thự, xe hơi… còn không quên sắm thêm một cô thư ký xinh đẹp, nhưng chị vợ vẫn nổi máu ghen liền lấy kéo đâm nát mặt hình nhân để “cho nó trở nên xấu xí, không dụ dỗ được anh ấy”.

Một vụ đốt vàng mã được cho là “khủng” nhất vẫn thuộc về một đại gia khai thác cát xây dựng tại sông Hồng với việc bỏ ra hơn 400 triệu đồng thuê trực tiếp người ở làng Đông Hồ về làm hàng nghìn người, ngựa giấy rồi làm thuyền rồng, đĩnh vàng, ngai bạc, voi chiến… đốt để tặng Thổ Công, Hà Bá mong các ngài phù hộ. Còn chuyện đốt nhà, đốt xe, máy bay… giá vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi ngày lễ Tết, giỗ chạp đã không còn là chuyện quá lạ nữa. Một chủ cửa hàng vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết thường thì mua trọn bộ mũ áo, giày dép, đồ trang sức, vật dụng hàng ngày chỉ mất vài trăm nghìn. Nhưng hiện nay, rất nhiều người đã mua những đồ “sành điệu” để gửi cho người quá cố nên giá cho mỗi lần hóa lên đến hàng triệu. Năm nay, mẫu mã hàng mã rất đa dạng, thậm chí đồ thời trang sành điệu còn được mặt cho các ma nơ canh trông bắt mắt y như thời trang thật. Những món đồ “khủng” như biệt thự, ô tô, máy bay… to gần như thật thì phải hàng chục triệu đồng, và phải đặt trước.


Có nên cấm đốt vàng mã?

Câu chuyện đốt vàng mã chứa đựng một mâu thuẫn rất lớn, bởi vậy tìm một đáp án cho vấn đề là không dễ với cơ quan quản lý. Ai cũng dễ dàng nhận thấy cái “không hay” của tục đốt vàng mã, nhất là khi nó trở nên tràn lan và biến tướng như hiện nay. Cứ mỗi dịp lễ Tết, người ta lại đặt ra câu hỏi về việc xử lý tình trạng đốt vàng mã như thế nào. Cũng có những giải pháp được đưa ra nhưng đến nay người ta vẫn phải chấp nhận một thực tế là “không thể quản lý nổi”. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ra rất nhiều văn bản hướng dẫn về việc quản lý đốt vàng mã, nhưng càng hạn chế thì người ta càng đốt nhiều, đốt khủng. Năm 2010, Bộ này đã ra một văn bản cấm đốt vàng mã nơi công cộng, nhưng đến thời điểm này, nó gần như đã đi vào lãng quên.

Ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL cho rằng vấn đề khó khăn hiện nay là mâu thuẫn giữa việc cấm đốt đồ mã nhưng lại vẫn công nhận sản xuất đồ vàng mã như một ngành nghề trong danh mục thuế. Chính vì thế, việc cấm đốt vàng mã thực ra mới chỉ giải quyết phần ngọn.

Có ý kiến cũng đề xuất cần cấm sản xuất, vận chuyển và đốt đồ mã. Bộ VH-TT&DL xác định đây là việc làm nghiêm túc đang nghiên cứu, đưa ra phương án khả thi. Tuy nhiên, đây cũng là việc vô cùng khó khăn. Khó khăn không chỉ vì việc thay đổi nghề cho những làng nghề làm vàng mã mà  một vấn đề liên quan đến tâm linh, đức tin của con người đã hình thành từ hàng trăm năm nay mà ngay ở khía cạnh kinh tế cũng không dễ dung hòa. Chính vì điều này dẫn đến việc đốt vàng mã ngày càng nhiều và số lượng vàng mã cũng vì thế ngày càng tăng theo. Có cầu, ắt có cung nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống không trụ nổi trong thời buổi công nghiệp hiện đại đã nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất đồ vàng mã như Phúc Am, Duyên Thường, Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội), làng Cót (nay ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)… và hàng nghìn hộ gia đình đang phải sống nhờ vào cái tập tục đốt vàng mã mỗi dịp lễ Tết, cúng giỗ như thế này. Một cán bộ của một xã có nghề làm vàng mã đã than rằng, dân trong làng ông cũng tự hào về nghề truyền thống lắm, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nên mới phải chấp nhận cái biệt danh “ngân hàng địa phủ” chẳng hay ho gì. Nhưng từ bỏ nó thì các cơ quan quản lý phải có chính sách phục hồi làng nghề một cách bài bản, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm… để hỗ trợ kinh tế cho người dân. Chỉ đơn giản như năm nay, không rõ do kinh tế thị trường suy yếu hay do Nhà nước chỉ đạo quyết liệt cấm đốt vàng mã mà số đơn hàng giảm rõ rệt, thu nhập của người lao động trong làng đã kém đi nhiều.

Ngoài ra, việc đốt đồ mã tại những nơi thờ tự dù đã được quy định rõ song cho tới thời điểm này việc xử phạt lại hoàn toàn không thể thực hiện được. Có rất nhiều nhà đền, nhà phủ dự trữ cả kho đồ mã. Lực lượng thanh tra biết nhưng “bó tay”, bởi theo quy định chỉ có bắt quả tang đốt thì mới có quyền phạt.

Vẫn phải “tuyên truyền”

Các cơ quan chức năng đang ra sức hạn chế việc đốt vàng mã vì hai lý do là tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng tạm loại trừ các khía cạnh đó ra thì những người nghiên cứu về văn hóa, tâm linh dù đồng tình với phương án này cũng lắc đầu cho rằng có quá nhiều khó khăn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) thì việc đốt vàng mã liên quan đến vấn đề tâm linh, đức tin của con người, vì vậy không dễ thay đổi. Họ cho rằng người trên dương gian phát triển, sung túc được là có sự hỗ trợ rất lớn của cõi âm, vì vậy họ tin rằng càng đốt nhiều vàng mã thì càng được phù hộ. Việc đốt vàng mã tỷ lệ thuận với đời sống kinh tế của con người, kinh tế - xã hội càng phát triển thì người ta càng đốt nhiều và càng nghĩ ra nhiều thứ để đốt với quan niệm trần sao âm vậy. “Theo tôi thì việc cấm đốt vàng mã là khó khả thi, song rất cần hạn chế. Không có cách nào khác là  “mưa dầm thấm lâu”, phải tuyên truyền với họ về việc không phải dương gian thế nào thì cõi âm cũng như vậy. Việc đốt vàng mã chỉ cần tượng trưng, tỏ lòng thành kính của người sống với người chết mà thôi” - TS Cường nêu ý kiến.

TS Nguyễn Mạnh Cường cũng chia sẻ thêm về nguồn gốc tục đốt vàng mã. Nó xuất phát từ việc nhà vua Đạt Tôn đời nhà Đường (Trung Quốc) muốn thu phục lòng dân nên nghe theo lời một vị sư cho đốt nhiều vàng mã để cũng biếu các vong nhân. Nhưng chẳng bao lâu tục này lại bị giới Tăng sĩ Phật giáo công kích bài trừ nên dân chúng cũng dần bỏ. Những người chuyên sinh sống bằng nghề làm vàng mã bị thất nghiệp. Để âm mưu phục dựng lại nghề, một người chuyên sản xuất vàng mã đã cho một người giả ốm mấy hôm, rồi tin chết được loan ra, cũng khâm liệm vào quan tài. Khi xóm làng đến thăm viếng đông đúc, người này cho đốt cả hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mạng ra cúng người chết. Rồi bỗng nhiên, người giả chết kia lò dò ngồi dậy, bước từ quan tài ra rồi thuật lại rằng: “Các thần thánh trong tam, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mạng cho tôi, với tiền bạc và đồ mã, nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế”. Công chúng lúc đó ai cũng tưởng thật, cho rằng hình nhân có thể thế mạng được và thánh thần trong tam, tứ phủ cùng ăn lễ đồ mã, tăng phúc, giảm tội và cho tăng thêm tuổi thọ. Từ đấy các nghề hàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng và tục đốt vàng mã lại được duy trì.

Như vậy, thực ra nguồn gốc đốt vàng mã là do con người bịa đặt ra, chẳng hay ho gì. Nhưng đến nay, nó đã du nhập và ngày càng phát triển ở Việt Nam hàng ngàn năm nay. Trên thực tế, tất cả các tài liệu Phật giáo hay Nho giáo đều không dạy về tục đốt vàng mã.

TS Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu về việc đốt vàng mã thì cần có những quy định pháp luật cụ thể “đánh” vào những người cố tình tuyên truyền mê tín dự đoan, tự xưng là “thần”, tự cho mình là trung gian giữa cõi âm và cõi dương như thầy cúng, thầy bói để kiếm tiền trục lợi cho bản thân… Đây chính là những người “vẽ” ra thế giới âm và lôi kéo người dân vào việc đốt nhiều vàng mã. 

Vàng mã công nghệ lên ngôi

Sắp đến ngày Lễ ông Công, ông Táo và Tết Âm lịch, thị trường vàng mã ngày càng sôi động. Năm nay, ngoài các mặt hàng truyền thống như tiền vàng, áo mũ cân đai… thì các vật dụng hiện đại như tivi, tủ lạnh, nhà lầu, xe máy, ô tô, điện thoại di động, quần áo thời trang, đồ dùng hàng hiệu, người giúp việc… đã rất phổ biến. Các chủng loại cũng rất đa dạng, xe máy cũng có loại bình dân như Honda Dream, cũng có loại cao cấp như SH. Rồi ô tô có loại 4 chỗ, loại 7 chỗ, lại có cả những dòng “siêu xe” như Rolls-Royce, Lexus… Đặc biệt, năm nay mặt hàng công nghệ đã xuất hiện với hàng loạt các loại sản phẩm hiện đại với nhiều thương hiệu như iPhone 4, iPhone 4S, iPad 2, Samsung Galaxy Tab, Samsung Galaxy S2… Việc mua sắm cho người cõi âm như thế này, có lẽ chỉ có ở Việt Nam.