Đông mà không mạnh

(ANTĐ) - Cơn “sốt nóng”  gạo ở TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đã “hạ nhiệt”. Ngoài yếu tố đầu cơ găm hàng cộng với tâm lý “đám đông” vốn hay hốt hoảng trước những “cơn sốt” trên thị trường, diễn biến vừa qua khiến chúng ta “giật mình” nhận ra những điểm yếu cố hữu, những khe hở của hệ thống phân phối.

Đông mà không mạnh

(ANTĐ) - Cơn “sốt nóng”  gạo ở TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương đã “hạ nhiệt”. Ngoài yếu tố đầu cơ găm hàng cộng với tâm lý “đám đông” vốn hay hốt hoảng trước những “cơn sốt” trên thị trường, diễn biến vừa qua khiến chúng ta “giật mình” nhận ra những điểm yếu cố hữu, những khe hở của hệ thống phân phối.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thừa nhận rằng: Với một tổ chức thị trường như hiện nay, đông nhưng không có tổ chức, manh mún và rời rạc, thì thị trường rất dễ bị tổn thương khi có những biến động, như vừa xảy ra với “cơn sốt” gạo.

Hiện tại nước ta đang có hai hệ thống phân phối gạo, hệ thống điều hành xuất khẩu có thể tạm coi là tương đối ổn định. Phức tạp nằm trong hệ thống phân phối gạo cho người dân.

Trước đây có một hệ thống các doanh nghiệp thương mại lớn làm công cụ cho Nhà nước điều tiết thị trường nhưng bây giờ đã tan rã. Do chúng ta mải mê chăm lo xây dựng cho các tập đoàn, tổng công ty về công nghiệp, dịch vụ mà đã “bỏ quên” các tập đoàn lớn về thương mại.

Đến nay, khi gạo lên cơn sốt giả mới lộ rõ thể trạng yếu kém không được tổ chức thành một hệ thống chuyên nghiệp. Hơn thế lại hết sức manh mún, tản mạn, rời rạc, chẳng gắn kết với nhau tựa như những đám bèo dồn tụ lại, chỉ cần một trận gió mạnh, lập tức tan tác.

Thị trường được ví như cái chợ tạm; tiểu thương tự mua, tự bán; người dân mua đắt hay rẻ, không ai quản lý, điều tiết giá. Tới thời điểm này, có lẽ hệ thống phân phối xi măng trên thị trường là tạm ổn, còn thì thép xây dựng, phôi thép, phân bón, thuốc tân dược... đều “có chuyện”.

Sản phẩm ra khỏi nhà máy, nhà sản xuất không biết đâu mà lần. Cho dù đã có cả một hệ thống đại lý phân phối, nhưng nó chỉ là cái vỏ, còn thực chất đại lý chỉ hưởng hoa hồng, không được phép quyết giá, không được quyền dừng bán.

Đại lý các mặt hàng phân bón, thép không phải là đại lý thực chất vì thế thị trường thời gian qua biến động khôn lường. Có thể kết luận rằng, nếu thị trường thế giới biến động tám phần thì chính khâu phân phối yếu kém góp phần đẩy giá lên thêm hai phần và đương nhiên người tiêu dùng “lĩnh đủ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, hệ thống phân phối của nước ta đông mà không mạnh bởi ta chưa chú trọng làm tốt công tác điều hòa thị trường, chưa có nguồn dự trữ tốt. Trong các “cơn sốt” vừa qua, người dân thường đổ xô vào các siêu thị, trung tâm thương mại.

Thế nhưng chính các siêu thị hầu như không có kho dự trữ. Một số doanh nghiệp cũng “khoe” là có nhà kho, bến bãi nhưng té ra không phải. Ngày trước, nhiều đơn vị rất dư dật đất đai, kho bãi. Tuy nhiên, sau gần 15 năm “thả nổi” cho họ tự lo, tự chủ và tự quyết nên phần lớn diện tích đó đã được thế chấp, cho thuê, làm nhà hàng, khách sạn.

Đã đến lúc thị trường phải xây dựng được ba hệ thống chủ lực theo thế “chân kiềng”. Đó là: hệ thống phân phối hàng hóa chiến lược, thiết yếu như xăng dầu, thép, phân bón, thuốc chữa bệnh; hệ thống phân phối tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng và hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đông mà không mạnh thì mỗi khi thị trường “sốt cao” lập tức lên cơn “co giật” là lẽ tất yếu.

Đan Thanh