Đồng chí Thuận Hữu tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X

ANTĐ -Sáng nay (9-8), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015-2020) đã diễn ra trọng thể tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và chỉ đạo.

Đại hội còn có sự hiện diện của đồng chí Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội.

Đại hội có sự tham dự của 501 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên-nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của hội viên cả nước gửi về Đại hội, nhằm xây dựng Hội và nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.

Đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu khóa X Hội Nhà báo Việt Nam

Với tinh thần và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ và nhất trí cao, Đại hội đã đánh giá hoạt động báo chí và hoạt động của Hội trong 5 năm qua (2010-2015) nhằm khẳng định, biểu dương những nỗ lực và thành tựu của báo chí cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí cũng như hoạt động của các cấp Hội; xác định phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ tới (2015-20120). Đại hội cũng đã xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội khóa IX, với nhiều điểm đổi mới cho phù hợp với tình hình hoạt động báo chí và hoạt động Hội trong giai đoạn 2015-2020.

Thay mặt Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “90 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân tộc, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc xâm lược, báo chí đã trở thành binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng, nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự thực hiện nhiệm vụ cách mạng, là tiếng gọi non sông, thúc giục đồng bào, chiến sỹ cả nước lên đường bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới gần 20 năm qua, những người làm báo tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Đại hội.

Nhân đến dự Đại hội lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi và nhấn mạnh một số vấn đề để các đại biểu cùng nghiên cứu và đề ra nhiệm vụ thực hiện của Hội trong nhiệm kỳ tới. Đó là: “Anh chị em cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi nhà báo là một chiến sỹ cách mạng. Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với hoạt động báo chí. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là nghề cao quý và thiêng liêng, nhà báo cách mạng phải có tinh thần đấu tranh, bảo vệ cái tốt, loại trừ cái xấu. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh và định hướng dư luận, kiên quyết loại bỏ những tin bài ảnh hưởng xấu đến tình cảm, tư tưởng đời sống xã hội, phân rã niềm tin. Báo chí là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội”.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Thuận Hữu đã thay mặt Đại hội cảm ơn những lời chia sẻ thân tình và sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng và đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung. Đại hội xin tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và sẽ chỉ đạo, định hướng các hội viên thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích của nghề báo.

Những bó hoa tươi thắm thay cho lời cảm ơn chân thành đã được gửi tới các nhà báo thuộc Ban chấp hành khóa IX Hội Nhà báo Việt Nam.

Để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong giai đoạn mới, Đại hội đã tập trung thảo luận và nhất trí những phương hướng chủ yếu và 11 nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt là 8 giải pháp cơ bản của hoạt động Hội, nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được  thông qua. Trong đó nhấn mạnh, lãnh đạo các cấp Hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thể chế hóa các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về báo chí, công tác Hội, chủ động và tăng cường triển khai những hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và chính trị tư tưởng, đạo đức, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng tổ chức Hội; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các bộ, ngành, địa phương đói với hoạt động của Hội; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí với việc nâng cao chất lượng hoạt động xã hội…

Ban chấp hành khóa X Hội Nhà báo Việt Nam gồm 57 đồng chí.

Đại hội cũng đã phân tích một cách sâu sắc tình hình báo chí trong nước và quốc tế, những thách thức và cơ hội, những vấn đề đặt ra trong công tác Hội hiện nay. Các đại biểu đều nhất trí khẳng định báo chí nước ta những năm gần đây phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và không ngừng đổi mới phương thức hoạt động. Báo điện tử phát triển nhanh, nhiều tiện ích cho bạn đọc nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề phải quan tâm về độ tin cậy, sự trung thực, chính xác và trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp thông tin cho độc giả. Đặc biệt là vấn đề khai thác thông tin trên mạng xã hội trong tác nghiệp báo mạng, sao chép, xào xáo thông tin, vi phạm bản quyền, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong loại hình báo chí có sức lan tỏa nhanh và rộng này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự Đại hội.

Báo in vẫn đang khó khăn trong việc cạnh tranh gay gắt với báo mạng, cả về nội dung và phương thức thông tin, về công chúng và thị trường quảng cáo. Phát thanh và truyền hình cũng trong tình trạng phải cạnh tranh gay gắt với báo mạng về mọi mặt.

Bên cạnh việc một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, một số cơ quan báo chí vi phạm các quy định của Nhà nước, một vấn đề đặt ra là tình trạng cản trở nhà báo hành nghề đúng pháp luật, thậm chí hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà báo. Tình hình này đòi hỏi các cơ quan báo chí và các cấp Hội cần tăng cường quản lý, giáo dục hội viên, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Hồ Quang Lợi.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt của Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020, gồm các nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam gồm 57 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 ủy viên. Nhà báo Thuận Hữu tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X.