Đón Tết... trong trại giam

ANTĐ - Đối với các phạm nhân, đây là thời điểm mà họ “đếm ngược” thời gian để mong muốn được trở về với gia đình, người thân, với cuộc sống tự do mà họ từng cố tình “đánh mất”...

Chúng tôi có mặt tại Trại tạm giam Hòa Sơn (CATP Đà Nẵng) một ngày cuối năm. Không khí chuẩn bị đón Tết của các cán bộ quản giáo cũng như phạm nhân ở đây cũng không kém phần nhộn nhịp so với bên ngoài. Với các cán bộ quản giáo, đây là thời gian bận rộn hơn trong năm. Bởi, ngoài công việc quản lý phạm nhân, họ còn chung tay chuẩn bị mọi thứ để cùng mọi người đón Tết. Còn với các phạm nhân, đây là thời điểm mà họ “đếm ngược” thời gian để mong muốn được trở về với gia đình, người thân, với cuộc sống tự do mà họ từng cố tình “đánh mất”...

Chuyện “Tết” của cán bộ quản giáo

Cơn mưa rả rích kéo dài càng làm cho tiết trời những ngày cuối năm thêm lạnh giá, nhưng nó không thể ngăn được không khí rộn ràng của mùa xuân đang đến từng ngày, từng giờ. Trong cái giá lạnh ấy, CBCS của Trại tạm giam Hòa Sơn ai cũng đang tất bật chuẩn bị cho phạm nhân đón một cái Tết ấm cúng, sung túc hơn. Những ngày này, họ càng phải căng hết mình, bởi trong thời điểm sắp bước sang một năm mới rất dễ xảy ra bất ổn với phạm nhân.

Thượng tá Trần Thanh Thảo - Giám thị Trại cho biết: “Mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, không khí ở Trại rộn rã hẳn lên. Không chỉ phạm nhân mà Ban giám thị và cán bộ quản giáo cũng ăn Tết luôn trong trại. Biết là buồn, là nhớ gia đình nhưng nhiệm vụ là phải làm, không thể khác được”. Do đặc thù công việc nên để đón Tết và bảo vệ Trại, hầu hết các cán bộ đều phải xa gia đình. Trong số quản giáo, có nhiều người còn trẻ, chưa lập gia đình, có cả cán bộ nữ vừa mới sinh con. Tuy nhiên, tất cả đều vui vẻ ở lại đón Tết và cùng Trại hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Tết về, phạm nhân thường day dứt, nhớ nhà, chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng dễ phát sinh mâu thuẫn” - Thượng tá Thảo cho hay. Vì thế, vào những ngày Tết, cán bộ quản giáo phải đảm bảo trực 100% quân số. Năm nào cũng vậy, vào thời khắc đón giao thừa, Ban giám thị lại chia nhau đến các phân trại, rà soát các phòng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân để tìm cách khuyên giải, động viên họ yên tâm cải tạo. “Chúng tôi tạo không khí vui vẻ, đầm ấm để người phạm tội vừa xóa đi mặc cảm tội lỗi, lại vừa giúp họ không có những ý nghĩ tiêu cực” - thượng tá Thảo tâm sự.

Phạm nhân Nguyễn Trầm Kha và phạm nhân Lý Thanh Tâm đang cùng nhau chăm bón cho vườn hoa trong trại để chuẩn bị đón Tết.

 Phạm nhân Nguyễn Trầm Kha và phạm nhân Lý Thanh Tâm đang cùng nhau chăm bón cho vườn hoa trong trại để chuẩn bị đón Tết.

Thiếu tá Phùng Văn Cùng (Phụ trách phân trại) cho biết, gần 30 năm công tác tại Trại tạm giam Hòa Sơn, hầu như Tết nào anh cũng đón giao thừa tại Trại. “Lâu rồi cũng quen, vợ con cũng thông cảm. Thèm được sum họp với gia đình bên mâm cơm ngày 30 Tết lắm chứ, nhưng vì nhiệm vụ chung nên tạm gác lại hạnh phúc riêng của mình vậy” - anh chia sẻ. Còn quản giáo Lê Thị Hải Quỳnh - nữ quản giáo duy nhất tại Trại tạm giam Hòa Sơn trải lòng: hồi trước chưa có gia đình, việc đón Tết tại trại tạm giam là chuyện đương nhiên. Ấy vậy mà từ khi lập gia đình rồi đến lúc có con nhỏ, do hai vợ chồng cùng công tác tại đơn vị nên Trại nghiễm nhiên trở thành “ngôi nhà chung” của gia đình chị. Theo chị, công việc hằng ngày của cán bộ quản giáo đã căng thẳng, ngày Tết lại càng vất vả, khó nhọc hơn nhiều. Chị bảo rằng, phạm nhân nam đôi khi biết giấu đi những cảm xúc. Nhưng, những phạm nhân nữ thì mau nước mắt và dễ bị xúc động hơn, nhất là những người đã có con. “Chỉ một tiếng thở dài, một câu nhớ nhà thốt ra là nước mắt sẽ chảy, nếu không được quản giáo kịp thời động viên, chia sẻ thì không khí cả buồng giam sẽ trở nên nặng nề và ngột ngạt vô cùng” - quản giáo Quỳnh cho biết.

Hiểu rõ như vậy nên các cán bộ quản giáo ở đây đều thông cảm, tạo điều kiện cho các phạm nhân tổ chức ăn Tết, cũng bánh chưng, kẹo mứt, mọi người cùng nhau vui vầy. Những lúc này, nhiều phạm nhân cả năm trời không có ai thăm nuôi khi nhận được sự quan tâm của những người xung quanh đều xúc động. “Quản giáo phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ để tìm sự đồng cảm, nhiều khi chỉ là lời động viên cũng làm họ thức tỉnh, giảm bớt đi nỗi cô đơn mà họ phải gánh chịu”- nữ quản giáo Quỳnh trải lòng.

Cán bộ quản giáo Trại tạm giam CATP ân cần thăm hỏi, động viên phạm nhân trong giờ cơm trưa những ngày cuối năm.

Cán bộ quản giáo Trại tạm giam CATP ân cần thăm hỏi, động viên phạm nhân trong giờ cơm trưa những ngày cuối năm. 

Nói về chế độ của các phạm nhân trong những ngày Tết, Thượng tá Thảo cho hay: “Trong những ngày Tết, tất cả các phạm nhân đều được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, còn có chế độ của UBND thành phố trợ cấp thêm cho mỗi phạm nhân 100 ngàn đồng. Cùng với đó, Ban giám thị có quà riêng cho các phạm nhân vô gia cư, những người không có ai thăm nuôi, chia sẻ. Những phạm nhân này sẽ được Ban giám thị gặp trước để động viên, chúc Tết, tặng thêm mỗi người ít bánh kẹo, gói trà”.

Day dứt nỗi niềm phạm nhân

Nhắc đến từ Tết, phạm nhân Nguyễn Trầm Kha rưng rưng nước mắt: “Chủ nhật vừa rồi em được gặp lại người thân, đặc biệt là được gặp vợ và hai con nhỏ, em hạnh phúc lắm. Lúc ấy, em ao ước giá như mình được làm lại từ đầu thì sẽ không bao giờ chọn con đường để đi vào… trại giam. Bây giờ thì em đã hiểu thế nào là giá trị của sự tự do, của cuộc sống gia đình, ở đó có bố mẹ, vợ con, có anh chị em. Nhất là những ngày này, trong em lại càng trào dâng niềm hối tiếc vì những sai lầm mà mình phạm phải. Chỉ tự hứa với lòng rằng, sẽ cải tạo thật tốt để sớm được trở về nhà. Và khi được trở về, em sẽ làm lại từ đầu bằng chính sức lao động mà mình bỏ ra, để rồi khi lớn lên, những đứa con của em sẽ không phải mặc cảm khi có một người cha phạm sai lầm nhưng không biết sửa đổi” - phạm nhân Nguyễn Trầm Kha thổ lộ.

Kể về quá khứ lầm lỗi của mình, Kha nghẹn ngào: Trước đây em cũng có công việc ổn định, thu nhập dù không cao nhưng cũng đủ lo cho gia đình nhỏ của mình. Vậy mà chỉ trong một phút lòng tham trỗi dậy, em đã đánh mất tất cả khi phải chịu án phạt 5 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Thời gian ở trại gần một năm qua, nhờ sự giáo dục, cảm hóa của cán bộ quản giáo, em đã kịp hiểu rằng, những gì không do mồ hôi, công sức của mình bỏ ra để có được thì sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp cả”.

“Tết đến gần, em mong mùa xuân qua nhanh để sớm được về nhà. Nghĩ cảnh bố mẹ lụi hụi nấu nướng trong khi láng giềng tiếng con, tiếng cháu đầy nhà, lại thấy giận mình và càng thấy day dứt nhớ nhà hơn!” - phạm nhân Lý Thanh Tâm tâm sự. Tâm (1988, quê xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang) phải trả giá đắt cho sự bồng bột của mình là án phạt 18 tháng tù vì tội cướp giật tài sản. Ngày vào Trại cũng là lúc người vợ trẻ mới cưới của Tâm mang thai tháng thứ 4. Và cho đến nay, con của Tâm cũng đã được 6 tháng tuổi. “Lúc em nhập trại thì con chưa ra đời, đến khi được nhìn mặt con thì em đã vào trại được hơn 10 tháng. Nhiều đêm trằn trọc, em cứ mong giá như Tết này được ở bên gia đình, được vui đùa bên con thì không gì hạnh phúc bằng. Bây giờ thì em đã hiểu, cái mong ước tưởng chừng rất giản đơn ấy tự mình có thể thực hiện được nếu như trước đây em biết phấn đấu, biết vun đắp” - Lý Thanh Tâm nói trong nước mắt…

Đối với hầu hết mọi người, Tết là dịp để được sum họp, vui vầy. Tuy nhiên, có một số người khác, Tết lại là những ngày trăn trở, thao thức với nỗi niềm nhớ thương, mong mỏi, nuối tiếc... Vì vậy, những lời động viên của người thân và sự quan tâm của cộng đồng xã hội mới làm ấm lòng những con người đã từng một thời lầm lỗi. Đó cũng là động lực để họ quyết tâm cải tạo tốt và sớm được trở về sum họp cùng gia đình. Trong thời khắc thiêng liêng trước thềm năm mới, mùa xuân đang rộn ràng ở những nơi tưởng chừng như không có Tết.