Dồn sức kiểm soát tác hại của lạm dụng rượu bia

ANTD.VN - Trong các dịp lễ, Tết, số người uống và số lượng rượu, bia tiêu thụ tăng mạnh. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm có các biện pháp quản lý phù hợp, thì rượu, bia sẽ ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe, gia tăng tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy về văn hóa, xã hội…

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mối lo về ngộ độc bia rượu lại thường trực

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay 168 quốc gia trên thế giới đã có các quy định để kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, bao gồm quy định về điểm bán uống tại chỗ, điểm bán mua mang đi, ngày được bán tùy thuộc vào loại đồ uống. Trên 50% số quốc gia có quy định về giờ mở cửa. Tại Singapore, Luật Kiểm soát đồ uống có cồn được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2015 và chính thức có hiệu lực từ 1/4/2015. Luật này quy định, việc uống rượu bia ở nơi công cộng bị cấm từ 22h30 đến 07h sáng ngày hôm sau. Các cửa hàng bán lẻ cũng không được bán bia rượu cho khách hàng mang đi trong thời gian từ 22h30 đến 07h sáng.

Tại Thái Lan, việc sử dụng bia rượu được xác định là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông và những hành động bạo lực quá khích. Để giảm thiểu tác hại của bia rượu đối với các vấn đề xã hội, sức khỏe của người dân, quốc gia này có quy định những “Ngày không bia rượu”.

Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị rượu bia - đó là giải pháp được chứng minh có hiệu quả cao trong kiểm soát tiêu thụ rượu bia. Bên cạnh đó, vì rượu bia ảnh hưởng đến khả năng điểu khiển phương tiện giao thông nên hầu hết các quốc gia chỉ cho phép một lượng cồn tối thiếu trong máu hay trong khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Ví dụ, Áo cho phép nồng độ cồn trong máu là 0,01% đối với lái xe tải và xe buýt; 0,05% đối với người lái xe ô tô và xe máy; còn ở Đức là 0,05% cồn trong máu hoặc 0,25 mg/1 khí thở. Một số quốc gia khác như Hungary, Croatia, Bulgari tuyệt đối không cho phép có cồn trong máu khi lái xe.

Cùng đó, chính sách thuế và giá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra. Tiêu thụ rượu bia gia tăng có nguyên nhân quan trọng là do sức mua của người tiêu dùng gia tăng do giá thực của rượu bia giảm trong khi thu nhập tăng. Để giảm hoặc giữ mức tiêu dùng rượu bia ổn định, phải cần nhiều biện pháp phối hợp, trong đó biện pháp giá và thuế là rất quan trọng.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo Thuế rượu bia cần được điều chỉnh định kỳ sao cho mức tăng giá thực của rượu bia do tăng thuế phải theo kịp hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của thu nhập bình quân đầu người nhằm duy trì ổn định hoặc giảm sức mua rượu bia.

Theo Báo cáo rượu bia và sức khỏe toàn cầu năm 2014 của WHO, 165 quốc gia có chính sách điều chỉnh giá bán, trên 90% các quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giảm tác hại của việc sử dụng rượu bia bằng các giải pháp chính sách hiệu quả và cung cấp một cơ sở hạ tầng phù hợp nhằm thực hiện thành công các giải pháp này là vô cùng quan trọng.

Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Chính sách quốc gia Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Mặc dù vậy, để chính sách này được thực thi thì cần phải thể chế hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, mà cao nhất là Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; cũng như cần đảm bảo các giải pháp tốt trong kiểm soát tác hại của lạm dụng rượu bia được xây dựng và thực thi hiệu quả.