Đôi vợ chồng mù đi bán chổi rong nuôi con vào đại học

ANTĐ - Hình ảnh đôi vợ chồng già, mù nắm tay nhau đi trên đường bán chổi đều đều mỗi buổi chiều đã quá quen thuộc với người dân sống quanh khu phố Khâm Thiên, Lê Duẩn… Người ta càng thương cho hai số phận không may mắn bao nhiêu, thì càng cảm phục nghị lực, tình yêu và sự lạc quan của những con người sống trong gia đình ấy.

Đôi vợ chồng mù đi bán chổi rong nuôi con vào đại học ảnh 1
Hai số phận kém may mắn

Ngôi nhà chỉ rộng khoảng 11m2 nằm sâu trong con ngách nhỏ ở ngõ chợ Khâm Thiên, là chỗ ở của tất cả 6 con người, bao gồm vợ chồng ông Trần Quang Ðồng (1934) - Phan Thị Thu (1953), hai vợ chồng người con trai cả cùng đứa cháu, và người con gái út. Ấy thế nhưng dường như đã quá quen với vất vả, trong câu chuyện với chúng tôi, không khi nào ông bà tỏ ra bi quan mà luôn tươi cười.

Ông nói đùa, nếu không bị mù, không rơi vào hoàn cảnh khó khăn thế này thì chắc gì ông đã có sức khỏe tốt đến tận bây giờ. “Mọi người trên Hội (Hội Người mù quận Hoàn Kiếm) nói đùa với tôi rằng cứ mỗi ngày hai vợ chồng tôi đi bộ đều đặn 4km là một tháng đi được quãng đường bằng từ đây vào Thanh Hóa đấy. Tôi năm nay 81 tuổi rồi, nhưng vẫn nhanh nhẹn thế này, chả cần thể dục gì hết”.

Ông Trần Quang Đồng vốn là “công tử” trong một gia đình giàu có ở Can Lộc (Hà Tĩnh). Ông bảo hồi đó ruộng đất nhà ông thẳng cánh cò bay, nhà 4-5 người ở, ông chả phải làm gì, còn được đi học đại học. Sau này gia đình ông bị lâm vào cảnh sa cơ, ông ra Hà Nội học, vừa học vừa phải làm thêm, đi bốc vác thuê. Trong một lần đi đắp đê thuê, ông bị đá bắn vào mắt. Mắt đau nhức, ông đi khám và được mổ, nhưng hồi ấy kỹ thuật lạc hậu nên càng mổ thì mắt càng mờ dần. “Mổ lần thứ nhất còn đi được xe đạp, mổ lần thứ hai thì đi bộ, mổ lần thứ ba thì mù hẳn luôn” - ông Đồng nhớ lại.

Những điều không may cứ lần lượt rơi vào chàng trai trẻ, từ một thanh niên sáng láng, giàu có, học giỏi, bỗng nhiên trở thành kẻ mù lòa, tay trắng, ông Đồng không khỏi sốc và chán nản, nhưng may mắn là nghị lực đã giúp ông vực dậy, không buông xuôi. Năm 1963, ông được đưa lên Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay) sinh hoạt trong một trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng. Năm 1965 trung tâm giải thể, ông quay về Hà Nội làm trong HTX Tăm tre 202. Năm 1973, Hội Người mù quận Hoàn Kiếm được thành lập, ông được bầu vào Ban 

chấp hành. 

Nghĩ số phận mình hẩm hiu, nên ông Đồng nghĩ cứ ở vậy đến cuối đời. Đến năm 1980, anh em trong Hội Người mù thấy thương cho hoàn cảnh éo le của ông, nên tế nhị gửi gắm ông cho một cô gái tên Thu cũng đang sinh hoạt trong Hội Người mù quận Đống Đa để “dắt anh ý đi họp hành”.

Bà Thu kém ông Đồng 20 tuổi, đôi mắt bị đục thủy tinh thể, cũng vì mổ hỏng nhiều lần đâm ra gần mù hẳn, thị lực chỉ còn 8. Sau nhiều lần “dắt nhau đi họp”, cuối cùng ông Đồng cũng mạnh dạn mở lời với bà Thu: “Em có lấy anh không?”, bà Thu cũng suy nghĩ rồi cuối cùng gật đầu. Thế là ông bà lấy nhau, họ hàng hai bên thấy thương cho đôi vợ chồng nên góp tiền giúp họ mua một mảnh đất 11m2 ở khu Khâm Thiên và ở đó đến giờ. Lúc đó ông Đồng vừa 40 tuổi, còn bà Thu mới 20 tuổi.

Thế cũng là vui rồi 

Lấy nhau rồi lần lượt sinh 2 đứa con, chẳng nói cũng có thể hình dung ra cuộc sống vất vả của đôi vợ chồng trẻ như thế nào. Bà Thu mới đầu làm việc cho một doanh nghiệp của Hội Người mù TP Hà Nội, nhưng sau đó xin nghỉ. Từ đó hai vợ chồng ông bà sinh sống bằng đồng lương trợ cấp người tàn tật và làm tăm, làm chổi, bán tăm chổi cho Hội Người mù.

Ngày trước bán chổi còn dễ, ông bà còn dành dụm được tiền để cất lên ngôi nhà trên mảnh đất tí hon này, nhưng giờ mấy ai mua chổi nữa, thành ra có những ngày đi nắng chang chang từ 4h chiều đến tận 8-9h tối hai ông bà mới bán được 2 cái chổi, có ngày còn chả được cái nào. Mỗi cái chổi như thế lãi được có… 5.000 đồng.

 Ấy vậy nhưng ngày nào cũng như ngày nào, trừ ngày mưa quá to, khi ốm đau hay khi có công có việc, còn lại thì ông bà vẫn đều đặn mang chổi đi bán. “Thôi thì được đồng nào hay đồng ấy. Với cả đi ra đường cho khuây khỏa, cho khỏe người, chứ cứ nhốt mình trong cái nhà chục mét vuông thế này cũng không được.” - bà Thu bảo.

Mỗi ngày, ông bà đi trung bình 4km, ông xách cái làn với mấy gói tăm tre, còn bà ôm mấy cái chổi chít, ông bám theo bà mà đi. Tổng thu nhập cả tiền trợ cấp và tiền bán chổi mỗi tháng ông bà có khoảng 2 triệu đồng, tháng nào dư ra đồng nào thì bà nhét vào con lợn, mỗi năm mổ một lần để đi nghỉ mát cùng anh em Hội Người mù. Cuộc sống, với ông bà thế cũng là vui rồi.

Những khắc nghiệt của cuộc sống những tưởng như vậy là đã buông tha cho ông bà, nghĩ đâu cậu con trai lớn sáng láng, học giỏi, là niềm hy vọng của ông bà cũng không may lâm vào cảnh mù lòa. Mới đầu mắt mờ dần, mờ dần rồi cũng mù hẳn, cậu bị bệnh đục thủy tinh thể, bị di truyền từ mẹ. Minh Quân vốn là cậu bé ham mê âm nhạc, theo ông Đồng - bà Thu, cũng vì cái niềm đam mê ấy mà đôi mắt anh bị mù hẳn đến bây giờ. “Hồi ấy đang kể nó đi mổ thì không bị mù, nhưng đúng dịp đó thì đoàn ca nhạc của nó được đi biểu diễn ở Pháp, thế là nó cứ đòi đi biểu diễn. Đi được hai chuyến ở Pháp và Malaysia về thì mắt mù hẳn”. 

Con cái là niềm tự hào lớn nhất

6 con người sống trong căn nhà vỏn vẹn 11m2, nhưng lúc nào cũng ngăn nắp, ôn hòa, hàng xóm láng giềng chả bao giờ thấy họ to tiếng với nhau. Dù cuộc sống vẫn vô cùng vất vả, nhưng niềm tự hào lớn nhất của ông bà chính là hai người con luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Người con cả là Trần Minh Quân, hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân.

Từ nhỏ Quân đã ham học, lại yêu thích âm nhạc. Đến khi mắt bị mù, Quân phải chuyển vào trường Nguyễn Đình Chiểu, rồi thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nghị lực của chàng trai mù đã khiến nhiều người khâm phục, anh được chọn vào nhóm nhạc từ thiện của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm, NSND Tường Vi... đi biểu diễn nhiều nơi. Cảm phục nghị lực của cậu bé mù, trong một chuyến lưu diễn, một Việt kiều đã tặng anh một học bổng 200.000 đồng mỗi tháng và một cây đàn organ.

Có cây đàn trong tay, sau giờ học, Minh Quân mang cây đàn đi khắp các quán bar, nhà hàng để xin được đánh đàn thuê. Đa phần đều ái ngại từ chối khéo, nhưng cũng có một số nơi thương tình cho thử việc, sau rồi thấy được khả năng và nhiệt huyết của anh nên đồng ý nhận anh vào chơi nhạc cho quán của mình. Cứ thế, anh gom góp từng đồng, giúp cha mẹ sửa sang nhà cửa, đỡ đần nuôi em học hành.

 Anh tốt nghiệp loại giỏi Học viện Âm nhạc Quốc gia, dù vậy thi thoảng lắm anh mới theo đoàn nhạc từ thiện đi biểu diễn, thời gian chủ yếu anh gắn với công việc của Hội người mù. Cảm phục trước nghị lực của anh, một cô gái đã quyết định về làm vợ anh trong sự phản đối kịch liệt của gia đình. Rồi họ sinh con, người đông thêm trong cái căn phòng chật trội, nhưng niềm vui cũng nhân thêm lên.

Còn người con gái của ông Đồng - bà Thu hiện đã tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế quốc dân, đang làm trong một doanh nghiệp tư nhân. Bà Thu kể rằng hồi nhỏ con gái bà đã ham học lắm, nhất là môn tiếng Anh. Nhà không có điều kiện cho cô bé đi học thêm, thế là một lần nhà bên cạnh mở lớp tiếng Anh, cô cứ đứng ngoài cầm quyển vở ghi chép, đọc theo. “Cô giáo dạy tiếng Anh thấy vậy thương quá mới gọi vào học cùng, nó bảo nhà con không có tiền, cô cứ cho con đứng ngoài con học cũng được.

Cô bảo thôi, cô không lấy tiền và cho nó học miễn phí. Đến khi lớp giải tán, nó xin tôi mua một cuốn từ điển, tôi mới vay tiền để mua cho nó, thế mà nó tự học ngoại ngữ và thi đậu đại học.” - bà Thu kể. Ông bà nói vui: “Nhiều người ở quanh cái khu này cứ bảo hay là nhà tôi chạy chọt gì mà con cái đỗ đại học hết, con người ta ôn này ôn nọ không đỗ, nhưng tôi có chạy chọt gì đâu, tiền học hành còn không có cho chúng nó. Cũng may càng trong hoàn cảnh khó khăn, thì chúng nó càng phấn đấu, thế là chúng tôi vui rồi”.