Tự “thay máu” cho chính mình, nuôi 4 con học đại học

ANTĐ - Có một người bao năm chán nản cuộc sống, sa đà nghiện ngập bỗng chốc bừng tỉnh, dứt bỏ được ma túy, cứu mình và cứu gia đình. Với ông, đây là một cuộc “thay máu” vô cùng gian khổ. Ông là Nguyễn Văn Trường ở thôn Vạn Tải, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Ông Trường (bên phải) đã vượt qua được sự cán dỗ của ma túy để làm lại cuộc đời

Ôm mộng làm giàu từ bãi vàng

Theo chỉ dẫn của người dân, tôi đến xưởng hàn xì nơi ông Trường đang làm việc. Xưởng hàn xì, sửa chữa xe đạp của ông tuy không lớn, nhưng cũng đủ để ông vực gia đình mình lên, chăm lo cho các con. Vào những năm 1991, cả xã Thái Bảo rộ lên phong trào đi đào vàng. Thanh niên trai tráng, những người có sức khỏe đều nuôi mộng làm giàu, đều bị “thần vàng” xua đi các bãi vàng trên khắp đất nước mong đổi đời. Lúc đó, vợ chồng ông Trường mới sinh cậu con út.

Cuộc sống làm ruộng trầy trật vất vả, nhà cửa lụp xụp, đến cái nhà vệ sinh cũng không có khiến vợ chồng ông rất tủi. Theo tiếng gọi của... vàng như nhiều người đàn ông khác, ông Trường không thể ngồi nhà chấp nhận đói nghèo thêm được nữa. Ông Trường nằm vắt tay ngang trán mơ ước về một cuộc sống sung túc, nghĩ cách làm sao cho mình được đổi đời và quyết định ra đi. Đúng giữa năm 1991, ông cơm nắm cơm đùm đến bãi vàng Ma Nu (Cao Bằng) cùng với một số anh em khác với khát khao làm giàu. Tuy nhiên khi đến nơi, ông Trường và “đồng nghiệp” phải trải qua những ngày tháng lao động vất vả, một lần bị sập hầm suýt chết mà cũng chẳng tìm thấy vàng nhiều như người ta nói. Cai vàng lại đối đãi không được tử tế, ông Trường rủ bạn tìm lên tận bãi vàng Pắc Ta (Lai Châu) tìm vận may. Nhiều người tuy tìm được vàng, trở nên giàu có nhưng mang vàng về quê thì cũng mang luôn tấm thân nghiện ngập về cùng. Ông Trường cũng bị cuốn và vòng quay đó, không gỡ ra nổi.

“Ngày đó, trong rừng rú Lai Châu, tôi được giao cho cai một khu nhỏ, đốc thúc khoảng 30 người, cho nên cũng kiếm được tí chút. Thực ra lúc đó, người ở làng này đi nhiều nơi và hầu như ai đi đều kiếm được cả. Có người kiếm được vài chục cây vàng. Xã tôi rộ lên cái sự giàu xổi, giàu một cách dễ sợ,  nhưng chẳng ai giữ được cả. Có người đưa cho vợ, vợ nhanh tay giấu đi được thì còn, không thì bị “nàng tiên nâu” - là cái anh ma túy cướp sạch. Có tiền, người ta nghĩ ra cách hưởng thụ tai quái là ma túy, thế mới kinh”, ông Trường kể lại.

Bi kịch

Bi kịch mà ông Trường kể đã xảy ra với rất nhiều người. “Nàng tiên nâu” quả là có sức công phá kinh khủng, đã “đốt” biết bao tổ ấm, làm hỏng biết bao trai tráng. Vàng mà người dân, thanh niên trai tráng xã Thái Bảo kiếm được tưởng có thể tạo nên sự sung túc, no đủ cho dân, nào ngờ... Những người này đã không cưỡng lại nổi sự cám dỗ và tàn phá ác nghiệt của ma túy. Bao nhiêu tiền từ vàng bán được đều đội nón ra đi. 

Tôi hỏi ông Trường: “Nguyên nhân ông nghiện hút ma túy là từ đâu?” Ông trả lời: “Thì đó, đào vàng ở mãi tận rừng  thiêng, núi sâu. Công việc nặng nhọc, có lúc chán, nhớ gia đình và vợ con. Nhiều người tìm đến ma tuý. Mà chuyện hút hít dễ gây tò mò, dễ học. Thế là người nọ học người kia, rủ nhau hút rồi đâm nghiện. Tôi cũng chẳng thoát khỏi quỹ đạo đó”. 

Ông Trường thổ lộ thêm, lúc đó ông thích nhất hai thứ là ma tuý và thịt chó. Thịt chó ăn vào miệng thì chẳng tốn kém nhiều, nhưng ma túy thì thật khủng khiếp. Có lúc ông Trường đã “ẵm” về được mấy chục cây vàng, nhưng rồi cơ thể lúc nào cũng cần thuốc nên số vàng đó dần bị những cơn nghiện ma túy cướp đi. Cuộc sống khó khăn lại hoàn khó khăn. Hai vợ chồng ông Trường quyết định đưa nhau vào Tây Nguyên làm thuê. Ròng rã mấy năm trời cực nhọc mà chẳng ăn thua, lại quay về quê. Vợ ông đi làm gạch ở bến đò Vạn Tải sau làng, ông Trường mua một chiếc công nông cũ chở đất cát kiếm tiền qua ngày. Các con nheo nhóc nhìn bố bị ma túy hành hạ, những cơ bắp cứ nhão dần, cơ thể ngày càng quắt đi.

Gia đình muốn ông Trường cai nghiện, bản thân ông cũng muốn nhưng ý định đó cứ lóe lên lại vụt tắt. Sau đó cả vợ và các con khóc lóc vừa khuyên nhủ vừa như van xin. Người mẹ già quanh năm đau yếu vì bệnh thấp khớp cũng động viên, mong ông quyết tâm cai nghiện cho vợ con nhờ. Ông Trường nhìn con, rồi nhắm mắt nhắm mũi lại, thấy mình hèn quá. Càng thấy hèn càng thương vợ con. Chính lúc tâm trạng thấy mình hèn là lúc đau đớn và dằn vặt. Ông nghĩ: “Mình không cai được thì gia đình, vợ con còn khổ, còn nheo nhóc. Mình sinh con ra mà để con cái như thế, tội lỗi này biết bao giờ mới gột được. Cuộc đấu trí, đấu sức với “nàng tiên nâu” vô cùng vất vả, vì nó cứ cào cấu, cắn xé thân thể ông. Ông tự tìm cách trói mình vào cột nhà, không động chạm đến nó nữa, mặc nó hành hạ. Cuối cùng, sự kiên trì và bền bỉ  đã giúp ông chiến thắng. Nhiều người không hiểu ông Trường lấy đâu ra nghị lực như vậy, trong khi bao nhiêu người khác vẫn tái nghiện. 

Ông Trường khẳng định là do các con. Chính sự hiếu học, quyết tâm của chúng đã giúp cho ông có ý chí này. Khi đoạn tuyệt với ma túy thì cũng là lúc sức lực cơ thể ông dần phục hồi. Gia đình, bà con xóm làng sung sướng. “Tôi đã luẩn quẩn nao núng một thời gian dài, sau đó mới nhận ra rằng phải cứu lấy gia đình, không thì con cái chẳng thể nào mở mày mở mặt được”, đó là lời tâm sự, cũng là chân lý mà ông Trường đã ngộ ra.

Cái giá được trả

Tìm lại được giá trị của mình, dứt điểm cai nghiện và quyết tâm vực dậy gia đình, đó là điều không phải ai cũng làm được. Và việc ông Trường cai nghiện thành công, nuôi con vào đại học khiến cả xã Thái Bảo đều cảm phục. Cô con gái Thanh Nhàn tốt nghiệp ĐH Kiến trúc và đi làm, cô thứ 2 tốt nghiệp ĐH Văn hóa, cậu thứ 3 tốt nghiệp ĐH Bách khoa, cậu con trai út đang học năm cuối. Mấy năm vừa qua, ông Trường đã vay vốn, quyết tâm làm ăn, cố gắng cho con cái “cần câu cơm”. Thành tích và kết quả học tập của con cái ông là cái giá được trả cho một người cha đã biết làm lại cuộc đời. 

Ý định của ông là nuôi cho con cái học xong mới nghĩ đến chuyện sửa sang lại ngôi nhà cũ kỹ của mình. Quả thực, thứ đáng tiền nhất của vợ chồng ông hiện tại là đôi bò, chiếc xe Simson đời cũ và chiếc tivi chỉ đáng mấy trăm nghìn. Thế nhưng ông Trường vẫn rất tự tin, nói rằng sau vài năm nữa mọi chuyện sẽ khác. Công việc của ông hàng ngày gắn ở xưởng hàn xì, nhận làm bất cứ việc gì liên quan đến cơ khí. Kinh nghiệm và tay nghề giỏi có được là do ngày xưa làm công nhân ở Nhà máy thủy điện Sông Đà, được học hàn xì ở trường Công nhân kỹ thuật. Hiện nay ông Trường đang có ý định mở rộng thêm nhà xưởng để làm việc cho hiệu quả, thu nhập cao hơn. Ông cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bè bạn, cán bộ và sự hưởng ứng từ con cái và người vợ tảo tần của mình. Thêm nữa, phải kể đến công lao của ông Nguyễn Công Quý, lúc đó là Trưởng Công an xã Thái Bảo. Ông là người đã đứng ra bảo lãnh cho ông Trường vay vốn làm ăn, cũng là người nể phục nghị lực của ông Trường.