Đổi mới toàn diện tư duy kinh tế, hội nhập nhưng không hòa tan

ANTĐ - Chiều 12-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIII. Trước những lo lắng của cử tri về chủ trương phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta phải định hướng rõ “hội nhập nhưng không được hòa tan”.

Đổi mới toàn diện tư duy kinh tế, hội nhập nhưng không hòa tan ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ

Trăn trở công tác nhân sự, tình trạng thất nghiệp 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Phương Khánh (phường Bưởi, quận Tây Hồ) băn khoăn, đã nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa khắc phục được những yếu kém như: các dự án treo còn nhiều, thậm chí nhiều dự án treo đến 20-30 năm vẫn không triển khai; phòng chống tham nhũng hiệu quả còn hạn chế; chợ cóc, chợ dân sinh tồn tại nhiều, trong khi các trung tâm thương mại, chợ hiện đại giao dịch rất hẩm hiu; hàng giả, hàng nhái còn nhiều. Cử tri Nguyễn Văn Giảng (phường Xuân La, quận Tây Hồ) góp ý, thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Năm Trật tự văn minh đô thị, đồng thời nhanh chóng khắc phục những sai phạm, tồn tại, nhất là về trật tự xây dựng.

Cử tri Nguyễn Đức Mạnh (phường Cống Vị, Ba Đình) trăn trở, bức xúc trước tình trạng báo động về nạn thất nghiệp của thanh niên hiện nay khi thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có tới 173.000 cử nhân đang thất nghiệp, không có việc làm. Cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) đề nghị cần phải đổi mới về tư duy trong công tác nhân sự, quản lý kinh tế xã hội ở nhiệm kỳ tới để đưa đất nước phát triển vượt bậc. Cử tri Nguyễn Đức Tuệ (phường Kim Mã, quận Ba Đình) nêu tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam mua bán, chuyển nhượng đất đai ngày càng nhiều, đồng thời thương lái Trung Quốc thu mua nông sản, hàng hóa với nhiều biểu hiện bất thường khiến nhân dân, cử tri rất lo lắng và đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải có biện pháp mạnh mẽ, thông tin rộng rãi hơn tới nhân dân.

Bên cạnh đó, các cử tri cũng đánh giá cao hoạt động của Quốc hội ở nhiệm kỳ này, bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ vào chính sách đối ngoại của Nhà nước thời gian qua, nhất là các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới các cường quốc trên thế giới. Cử tri Nguyễn Hồng Toán, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho rằng, đó là đường lối ngoại giao sáng tạo, đã nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, cử tri trong nước rất phấn khởi. Một số cử tri cũng quan tâm đến vấn đề nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tới đây và mong Trung ương bàn thật kỹ, chọn lựa thật sáng suốt những cá nhân vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt. 


Đổi mới toàn diện tư duy kinh tế, hội nhập nhưng không hòa tan ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri

Đổi mới toàn diện nhưng phải đúng hướng

Tiếp thu những ý kiến “rất sát thực, chất lượng” của cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thông qua các ý kiến đó cho thấy, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến tình hình chung của đất nước và thành phố, đã làm toát lên tinh thần toàn dân bàn việc nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin, kỳ họp Quốc hội sắp tới là kỳ họp cuối năm 2015 và cũng là kỳ họp gần như cuối cùng trong nhiệm kỳ này, do đó chương trình, nhiệm vụ rất nặng nề với rất nhiều nội dung quan trọng. Riêng về hoạt động xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội, đúng là cần nâng cao hơn nữa chất lượng các luật, hạn chế luật khung, luật chung chung. Muốn thế phải nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, nên ngoài việc sắp tới sẽ nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 33-35%, Quốc hội rất mong muốn người dân sẽ sáng suốt, khách quan để bầu chọn ra những đại biểu thực sự xứng đáng. 

Về các vấn đề cụ thể mà cử tri góp ý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội là trung tâm. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, năm 2015, kinh tế cũng như các vấn đề xã hội của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, không khí trong xã hội, nhân dân có nhiều phấn khởi. Dù vậy, thách thức, khó khăn trước mắt còn rất lớn, có những khó khăn thậm chí chưa thể lường hết được, do đó không thể chủ quan. Tổng Bí thư nêu rõ, phải tiếp tục tư tưởng đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy kinh tế lẫn công tác cán bộ. Đặc biệt, năm 2016, nước ta sẽ đánh dấu cột mốc tròn 30 năm thực hiện Đổi mới, trên cơ sở tổng kết, chúng ta sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên đổi mới phải đúng hướng, có tính toán cụ thể để không bị “chệch quỹ đạo”.

Dẫn chứng về việc gần đây nước ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do với cộng đồng kinh tế thế giới, với các nước lớn trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích, việc hội nhập sâu rộng vào sân chơi chung của thế giới mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức. “Chúng ta phải giải quyết được bài toán hội nhập nhưng không hòa tan, phát triển nhưng vẫn phải giữ được bản sắc, tận dụng được lợi thế và hạn chế khó khăn. Đó là bài toán không hề đơn giản” - Tổng Bí thư nói. Riêng với lo ngại của cử tri về việc người nước ngoài vào mua đất tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam ngày càng nhiều, Tổng Bí thư nhấn mạnh, luật pháp nước ta không cho phép điều này và thực tế cũng không có chuyện người nước ngoài vào Việt Nam mua đất mà chỉ là thuê đất. Việc thuê đất này cũng được quản lý rất chặt chẽ.

“Toàn Đảng, toàn dân ta cộng đồng trách nhiệm với nhau để cùng vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng thời cơ, phát huy điểm đồng, hạn chế bất đồng và vô hiệu hóa những âm mưu chống phá. Đấy là đường lối hội nhập của chúng ta”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng