Độc quyền tự định giá

ANTĐ - Theo quy định tại Nghị định 84/CP của Chính phủ, doanh nghiệp được quyền định giá xăng dầu với tần suất điều chỉnh giá giữa hai lần phù hợp với Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp muốn định giá bao nhiêu và tần suất điều chỉnh theo chủ quan của mình. Doanh nghiệp chỉ được định giá trong biên độ Nghị định cho phép khi giá cơ sở biến động cao hơn giá hiện hành 7%.

Tinh thần của Nghị định như vậy, song việc các doanh nghiệp “đại gia” xăng dầu đồng loạt tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít và giá dầu thêm 500 đồng/lít, khiến dư luận cho rằng có nhiều dấu hiệu không bình thường, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xăng dầu nước ta chưa thoát khỏi cái bóng “độc quyền”. Lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex cho biết, quyết định về giá bán xăng dầu của tập đoàn đã được gửi đến các đơn vị thành viên Petrolimex vào báo cáo lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổ Giám sát liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này theo lập luận của Petrolimex xuất phát từ thực tiễn giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84. Lập luận và lý lẽ rất kín kẽ, nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao trong cùng một ngày, thời điểm chỉ cách nhau vài giờ, mà các tập đoàn, tổng công ty xăng dầu nắm giữ phần lớn thị trường lại cùng “bảo nhau” tăng giá xăng dầu với mức giá giống nhau một cách khó hiểu? Dư luận có quyền nghi vấn, phải chăng có sự liên kết “bắt tay” nhau giữa các “đại gia” đầu mối? Không thể có sự trùng hợp “ngẫu nhiên” khi mỗi tập đoàn, tổng công ty có cách tính, chi phí kinh doanh, thậm chí lỗ, lãi khác nhau.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, doanh nghiệp được định giá theo tín hiệu thị trường, nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát, không để họ lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường và sự biến động của thị trường để định giá bất hợp lý, gây thiệt hại tới lợi ích người tiêu dùng. Trong lần tăng giá xăng dầu ngày 20-7 vừa qua giới quan sát thị trường nhận xét, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành này “nhìn” vào Petrolimex đang chiếm khoảng 55% thị phần xăng dầu cả nước để quyết định điều chỉnh giá bán lẻ. Lần tăng giá này, “kịch bản” có thay đổi lớp lang tí chút. Mở màn là Sài Gòn Petro tăng trước, sau đó Tổng công ty Dầu Việt Nam, rồi đến lượt Petrolimex, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, một số công ty cổ phần xăng dầu… Dưới “con mắt” thị trường của nhiều chuyên gia, không khó nhận ra thị trường xăng dầu vẫn nặng tính độc quyền, chưa có sự cạnh tranh thật sự. Khi một tập đoàn chiếm thị phần lớn quyết định mức giá thì các doanh nghiệp nhỏ không thể không “nghe theo”.

Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả cho rằng, Luật Giá đã được Quốc hội thông qua chỉ rõ, với những sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá. Thị trường xăng dầu hiện vẫn là độc quyền. Doanh nghiệp độc quyền mà để cho họ định giá trong “biên độ” 7%, dù là nhỏ thì cuối cùng người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi. Độc quyền vẫn tự định giá thì không thể cạnh tranh bình đẳng và minh bạch giá cả.