Độc đáo lễ hội nấu cơm thi ở làng Thị Cấm

ANTD.VN -Ngày mùng 8 Tết hàng năm, làng Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, lại diễn ra lễ hội thổi cơm thi. Đây là một phong tục độc đáo của làng mỗi dịp xuân về, để cầu chúc cho dân làng một năm mới no đủ, hạnh phúc, mọi nhà bình an.

Theo các cụ trong làng, lễ hội thổi cơm thi nhằm tưởng nhớ công ơn của tướng quân Phan Tây Nhạc. Tương truyền ông là tướng quân của vua Hùng thứ 18, từng đóng quân ở làng Thị Cấm. Ông thường tổ chức cho quân lính thi thổi cơm, sau khi ông mất dân làng đã tôn ông làm thành hoàng làng và hàng năm vào ngày mùng 8 Tết thường mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ đến công ơn xưa.

Tại lễ hội thổi cơm thi, các đội sẽ có các thứ như chày, cối, nồi, rơm, thóc... để thổi cơm.  

Sau khi có hiệu lệnh của BTC, thành viên mỗi đội sẽ bắt đầu cuộc thi. Người thì chẻ các thanh tre làm đóm...

Người thì bện bùi nhùi rơm và giã gạo...

Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh dang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật dang cọ sát vào cật tre nhiều lần. 

Ở góc khác, những người phụ nữ khéo léo sàng sảy thóc đến khi nào gạo trắng thì lấy một lượng vừa đủ bỏ vào nồi đất để nấu.

Khi bùi nhùi rơm lửa bùng lên, là lúc dùng mồi lửa này để thổi cơm.

Nấu cơm bằng niêu rất khó, nên thành viên mỗi đội phải cố gắng điều tiết lửa bốc vừa phải. 

Các thành viên trong đội đang dùng giấy kiểm tra độ chín của gạo, khi nước bắt đầu cạn cũng là lúc các niêu cơm được vùi xuống để chín bằng sức nóng của tro rơm.

Ban tổ chức thường là các cụ cao niên trong làng sẽ tìm ra 4 nồi cơm, nếu nồi nào cơm chín dẻo và trắng, không có hạt sống sẽ được trao giải và 4 niêu cơm sẽ xới để cúng thành hoàng làng. 

Sân đình bốc khói nghi ngút bởi rơm rạ được đốt của các đội thi, sau khi kết thúc hội thi, các đội chia cơm cho dân làng ăn lấy may để cầu mong một năm no đủ, an lành.