- Sốt ruột khi giá xăng tăng liên tiếp
- Giá xăng tiếp tục khiến CPI Hà Nội tăng trong tháng 6
- Chấp nhận giá xăng tăng theo thế giới, nhưng…
Giá xăng dầu tăng liên tục gây áp lực cho ngành vận tải trong việc điều chỉnh giá cước - Ảnh: Thuần Thư
Vận tải “căng” vì giá xăng tăng liên tục
Từ đầu năm 2015 đến nay, xăng dầu đã 4 lần tăng giá với mức tăng 5.025 đồng/lít, đáng nói, trong 45 ngày qua xăng đã 3 lần tăng giá. Trong đó, lần điều chỉnh giá xăng vào tối 19-6 có diễn biến ngược chiều với giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới. Bộ Công Thương cho biết, điều hành giá xăng dầu theo thị trường thế giới, tức giá thế giới lên thì giá xăng trong nước tăng, giá xăng dầu thế giới giảm thì giá bán lẻ trong nước giảm.
Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu thị trường Việt Nam được sử dụng giá cơ sở (giá cơ sở được tính bằng giá nhập khẩu bình quân 15 ngày sát với chu kỳ tính giá cộng với các chi phí thuế, phí, phí môi trường...), như vậy, khẳng định của Bộ Tài chính về việc, tăng thuế môi trường đối với xăng lên 3.000 đồng/lít không ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu xem ra không thuyết phục.
Anh Nguyễn Hoàng An, một doanh nghiệp cho thuê xe ô tô trên địa bàn Hà Nội lo lắng, “Doanh nghiệp hiện có 15 chiếc ô tô dưới 9 chỗ ngồi để cho thuê, mỗi tháng trung bình tiêu tốn từ 300 - 350 lít xăng cho đoạn đường từ 3.000 - 4.000km. Sau 4 lần tăng giá, chi phí tiền xăng trung bình cho một chiếc xe tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/xe. Với mức tăng lần này, chúng tôi không thể tiếp tục điều chỉnh giá cước để chạy theo giá xăng, trong khi giá cho thuê xe vẫn như cũ từ năm ngoái đến nay”.
Tương tự, các doanh nghiệp taxi cũng điêu đứng vì giá xăng đang được điều hành quá… linh hoạt, dăm bữa nửa tháng lại tăng giảm một lần. Trong khi đó, đối với hoạt động vận tải khách bằng taxi, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho biết, đơn vị đang sở hữu 600 đầu xe taxi ở Hà Nội, vì vậy mỗi lần giá xăng điều chỉnh khiến doanh nghiệp lại lao đao.
Cần cơ chế điều chỉnh hợp lý
“Nếu nhìn khách quan, tần suất điều chỉnh giá xăng trong 15 ngày như hiện nay đang gây bất lợi cho các hãng vận tải, trong đó có doanh nghiệp taxi, khi mà thủ tục đăng ký tăng giá cước kéo dài gần bằng chu kỳ 15 ngày của giá xăng”, ông Nguyễn Hồng Minh nhận định. Do vậy, theo ông Nguyễn Hồng Minh, cơ quan quản lý cần có cơ chế điều chỉnh giá xăng hợp lý hơn nữa để sau mỗi lần giá xăng dầu biến động, doanh nghiệp không phải tính toán, cân nhắc việc tăng hay giảm giá cước.
Đại diện một hãng taxi lớn trên địa bàn Hà Nội cũng chia sẻ, mặc dù doanh nghiệp này đã bám sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới để làm cơ sở điều hành giá cước vận tải, nhưng với lần tăng giá xăng dù chỉ 275 đồng/lít vừa qua thì ngoài tầm dự đoán của doanh nghiệp, bởi “giá thành xăng dầu thế giới giảm trong chu kỳ điều chỉnh vừa qua của Bộ Công Thương, trong khi giá bán lẻ xăng trong nước vẫn tăng nhẹ”, đại diện hãng taxi này cho hay.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, giá xăng dầu ở Việt Nam được điều chỉnh tăng giảm liên tục trong chu kỳ 15 ngày, điều này có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại làm khó các doanh nghiệp sản xuất. “Không doanh nghiệp nào có thể điều chỉnh giá sản phẩm trong vòng 15 ngày, đối với các doanh nghiệp vận tải cũng vậy. Với hoạt động vận tải, xăng dầu chiếm đến 30-40% giá thành đầu vào, vì vậy việc điều chỉnh xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh”, ông Bùi Danh Liên nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, nên chăng tính toán đến việc ổn định giá xăng dầu trong một thời gian nhất định, cụ thể như khi giá xăng dầu thế giới giảm thì xăng dầu trong nước có thể giảm không tương ứng, trích lại một phần vào quỹ bình ổn, phòng khi xăng dầu thế giới tăng, sẽ xả quỹ bình ổn để giữ ổn định. Ông Bùi Danh Liên bày tỏ: “Giá xăng liên tiếp điều chỉnh tăng, doanh nghiệp không tăng thì phải bù lỗ, mà tăng theo giá xăng thì lại bị chỉ trích là “té nước theo mưa”. Hơn nữa, xăng dầu cứ tăng nhỏ giọt dăm ba trăm đồng một lần thì vận tải cũng không theo kịp”.