Doanh nghiệp "ngấm đòn" nhưng không bỏ cuộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn 2 năm hứng chịu “sóng gió” do đại dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Đây là “biến cố” chưa từng có và không thể lường trước đối với cộng đồng doanh nghiệp nhưng không vì vậy mà họ nản chí. Rời bỏ thị trường có chăng chỉ là tạm thời và doanh nghiệp đang tìm cách thích nghi với bối cảnh mới. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) đã có cuộc trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô nhân dịp năm mới.

Doanh nghiệp không còn co cụm

- PV: Hai năm qua là khoảng thời gian “sóng gió” với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp trong năm 2021 so với năm 2020?

- Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội: Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn nhiều so với năm 2020, đặc biệt là đợt bùng phát dịch kéo dài từ cuối tháng 4. Doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất, phải thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, các hoạt động sản xuất, phân phối, vận chuyển bị đứt, gãy trong khoảng thời gian khá dài… Thêm vào đó, sức mua yếu, tồn kho lớn hơn. Bên cạnh đó, do đường bay nội địa, bay quốc tế đều bị hạn chế để phòng dịch nên chuyên gia nước ngoài không vào được các khu công nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thiếu chuyên gia để vận hành sản xuất. Chưa kể, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp là vấn đề tài chính trong dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn, trong khi đối tác thương mại không ký hợp đồng mới… Năm 2021, dịch bệnh đã thực sự khiến doanh nghiệp “ngấm đòn”.

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2021 đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua năm 2021 đầy khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19

- Đã là năm thứ 2 dịch bệnh gây ảnh hưởng diện rộng, chắc hẳn doanh nghiệp cũng có biện pháp ứng phó hiệu quả hơn, thưa ông?

- Năm nay đúng là doanh nghiệp đã thích ứng với dịch bệnh hơn nhiều so với năm 2020. Năm ngoái, hầu hết đều co cụm lại. Năm nay thì khác, doanh nghiệp thấy sản xuất sản phẩm gì cần thiết cho người tiêu dùng thì vẫn tiếp tục, vừa làm vừa tính toán. Trước đây, nhiều doanh nghiệp có thói quen sản xuất xong để dự phòng, đến mùa thì bán sản phẩm ra thị trường, nhưng bây giờ thì khác, một số sản xuất cầm chừng, số khác chuyển sang ngành nghề khác phù hợp hơn. Ngoài ra, để tiết giảm chi phí, họ phải tính toán để nhân sự vừa phải, đẩy mạnh chuyển đổi số để bán hàng trực tuyến, thanh toán online, làm việc tại nhà, gặp gỡ đối tác trực tuyến… Qua đó, doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất mà giảm thiểu được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

- Thời gian gần đây, HANOISME đã kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Đây có phải là một dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp vẫn đang phục hồi và kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ tốt lên không, thưa ông?

- Doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu liên kết hợp tác để tìm kiếm bạn hàng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau. Hiện, các doanh nghiệp không biết mình có thể phục hồi bao nhiêu phần trăm, mà họ cần duy trì ngành nghề đã gắn bó nhiều năm - đó là tâm huyết của một tập thể nên họ muốn liên kết, duy trì để vượt qua đại dịch.

Doanh nghiệp không rời bỏ thị trường

- Hai năm qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải rời bỏ thị trường do dịch bệnh, trong đó có thành viên của HANOISME. Đây thực sự là điều đáng tiếc?

- Thống kê cho thấy rất nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường nhưng rất nhiều trong số đó chỉ tạm thời nghỉ kinh doanh để chuyển sang ngành nghề khác. Họ đã đi theo con đường doanh nhân, tạo việc làm, đóng góp cho xã hội thì sẽ không bỏ cuộc. Họ chỉ chuyển từ ngành nghề này sang ngành nghề khác cho phù hợp hơn. Dịch bệnh là điều kiện tốt để doanh nghiệp tĩnh lại, tái cơ cấu sản xuất.

- Ông cho rằng, ngành nghề nào có khả năng duy trì và hồi phục khi sống chung với dịch Covid-19 trong 2022?

- Năm 2022, những ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất thực phẩm sẽ có cơ hội phát triển. Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh tới xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh cần hướng tới những phân khúc rõ ràng trong thời kỳ mới.

Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thử thách sống còn cho doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thử thách sống còn cho doanh nghiệp

- Là một doanh nhân, đồng thời cũng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, cảm xúc của ông thế nào trước diễn biến khó lường của dịch bệnh?

- Giai đoạn đầu của dịch bệnh, tôi thấy ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Chưa bao giờ trong quá trình công tác tôi gặp phải tình huống này. Ngay cả cuộc sống gia đình cũng bị ảnh hưởng. Nhưng khi bình tĩnh lại, cá nhân tôi thấy mình không thể co cụm được. Mình phải ra ngoài, thích ứng với dịch bệnh, vừa làm việc vừa phải đảm bảo an toàn cho cá nhân. Rõ ràng dịch bệnh khiến hiệu quả làm việc không như kỳ vọng nhưng mình phải vận động không ngừng. Dịch bệnh cho tôi khoảng thời gian để suy nghĩ, sắp xếp lại công việc kinh doanh mà trước nay vẫn vận hành theo quán tính - đó là sự thích ứng với hoàn cảnh mới.

PV Thanh Hoàn

PV Thanh Hoàn

- Tìm được cách sống chung và thích ứng với dịch bệnh, năm 2022, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những đột phá, thưa ông?

- Doanh nghiệp chưa biết sẽ phục hồi thế nào nhưng đa số đã tìm được cách thích ứng. Trong quá trình hồi phục này, chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng cắt giảm các điều kiện không cần thiết, minh bạch hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí vẫn cần được miễn, giảm để bớt khó khăn cho doanh nghiệp…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bà Trần Uyên Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát): Thay đổi để thích ứng nhanh hơn!

“Chúng tôi sử dụng công nghệ không chỉ trong hoạt động sản xuất, mà cả trong quản trị kiểm soát ví dụ như là Enterprise Resources Planning (ERP) thuộc về những hệ thống lớn mạnh trên thế giới, hoặc là trong thời gian vừa qua, với nhu cầu đào tạo trong nội bộ chúng tôi đã triển khai chương trình Workchat của Facebook dùng cho môi trường làm việc. Rất nhiều thói quen phải thay đổi cũng làm cho con người của Tân Hiệp Phát thích ứng nhanh hơn.

Về mặt cá nhân thì bất cứ cái thay đổi nào thì cũng rất là khó. Ví dụ như là một người bình thường chủ nhật thức dậy 8 giờ mà giờ chủ nhật phải thức dậy lúc 5 giờ sáng thì đó là một thay đổi không đơn giản. Hoặc là một người hay đeo cái đồng hồ bên tay trái, bây giờ kêu đổi sang bên phải, thì sẽ tạo ra nhiều cái khó chịu.

Rất nhiều yếu tố làm cho con người mong muốn không thay đổi, ngại phải thay đổi. Nhưng Tân Hiệp Phát cho rằng, việc chuyển đổi và thay đổi để tăng trưởng là cần thiết và bắt buộc phải xảy ra. Cho nên, nhân cơ hội trong giai đoạn giãn cách và nhân giai đoạn Covid-19 căng thẳng, khốc liệt, thì càng là động lực, càng là lý do để mọi người cần thay đổi. Giai đoạn Covid-19 lại là một cú hích để cho Tân Hiệp Phát chuyển đổi và các kế hoạch của Tân Hiệp Phát rút ngắn lại, quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Mọi người sau đó đều nhận thấy cái đó là cần thiết. Ví dụ như trước đây thuyết phục sếp triển khai kế hoạch liên quan tới IT (công nghệ thông tin) thì sẽ mất rất nhiều thời gian, thì bây giờ quãng thời gian đó ngắn hơn rất nhiều. Đó là nhờ vào việc mình tận dụng được giai đoạn Covid-19 mà mọi người thấy là giai đoạn Covid-19 có rất nhiều các yếu tố tiêu cực. Nhưng nếu chúng ta biết khai thác được lý do của nó, thì nó cũng trở thành những yếu tố tích cực.

Trong tình huống khó khăn, mỗi tổ chức, gia đình cần người đứng đầu gánh vác, nếu người chịu trách nhiệm lại trở nên yếu đuối thì đó không phải là bản lĩnh người lãnh đạo. Tân Hiệp Phát sẽ đào tạo, xây dựng nên những con người thông qua những giá trị cốt lõi như là một phần trong máu của những con người Tân Hiệp Phát. Đó là nền tảng để Tân Hiệp Phát có thể xây nên một doanh nghiệp tồn tại hàng trăm năm”.

Ông Nguyễn Xuân Phú (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập Đoàn SUNHOUSE): Biết tận dụng cơ hội, doanh nghiệp sẽ “sống khỏe”

“Bất cứ một dịch bệnh, hay cuộc khủng hoảng nào đều là tự nhiên sắp đặt để tạo ra sự cân bằng cho hệ sinh thái. Dịch bệnh quét qua toàn cầu sẽ loại bỏ những doanh nghiệp yếu, không có sự chuẩn bị tốt, nhưng cũng tạo ra thêm khoảng trống, màu mỡ nhiều hơn cho các doanh nghiệp còn lại. Ai còn tồn tại sẽ hưởng cơ hội vô cùng lớn. Có thể nói, trong kinh doanh lúc kiếm tiền dễ nhất là lúc khủng hoảng, còn trong trạng thái bình thường vô cùng khó khăn vì sự cạnh tranh lớn. Dịch bệnh gây khủng hoảng toàn cầu, nhưng cũng xuất hiện rất nhiều cơ hội. Chẳng hạn như doanh nghiệp nào đầu tư vào nguyên liệu cơ bản cuối năm 2020 sẽ tăng gấp đôi, gấp rưỡi… đó chính là cơ hội. Tôi tin vào giữa năm 2022, doanh nghiệp nào còn trụ được sẽ bùng nổ”.

Bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Song Phương): Thay đổi kế hoạch sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu

“Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất, tổ chức các phương án duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện vừa sản xuất, vừa chống dịch để đảm bảo hoạt động được thông suốt và hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh. Chúng tôi mong muốn vận tải lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nguyên vật liệu sản xuất ổn định để doanh nghiệp giảm chi phí. Khi tình hình dịch cơ bản được khống chế, chúng tôi hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Đông Âu”.