Đô thị có vỉa hè là một đô thị đáng sống

ANTD.VN - Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới có văn hóa vỉa hè. Nhưng đô thị có vỉa hè văn minh cần có sự dốc sức của không chỉ nhà quản lý.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả những cuốn khảo cứu về văn hóa Hà Nội xưa và nay nhận xét, ẩm thực vỉa hè Hà Nội là một điều tuyệt vời. Ví như nói về phở Hà Nội, nhiều quán phở bây giờ dẫu to đẹp khang trang cũng không ngon bằng phở gánh. Hay quán bún ngan ở phố Hàng Cót nổi tiếng vô cùng, nam thanh nữ tú tăm tắp xếp hàng, nước dùng, miếng thịt trong bát bún làm hài lòng cả những người khó tính nhất.

Chiến dịch giành lại vỉa hè mới đây tạo nên nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Đa phần đồng tình vì đường thông hè thoáng, người lớn có chỗ đi bộ, trẻ con có chỗ chơi. Nhưng cũng không ít người khó chịu vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán. Những người bán hàng rong, những chợ cóc nhỏ bị dẹp ngoài vỉa hè chạy vào trong ngõ, ngách tiếp tục mưu sinh. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: “Các đề án nếu đúng ngay từ đầu là không tưởng, nhà quản lý cần điều chỉnh sao cho cân bằng lợi ích giữa các bên, đưa ra lộ trình, truyền thông và triển khai hợp lý để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, được lòng dân”.

Đô thị có vỉa hè là một đô thị văn minh đáng sống cần có sự dốc sức của nhà quản lý. Năm 1929, thị trưởng Hà Nội quản lý chặt chẽ vỉa hè Hà Nội, cho phép mở sạp báo trên vỉa hè và không thu thuế, miễn là phải ngồi sát vào bên trong và cần có sự cho phép của gia chủ. Có nhiều giải pháp để giữ gìn sự thông thoáng, sạch đẹp cho vỉa hè, trong đó có bài toán tìm không gian thay thế cho việc kinh doanh trên vỉa hè.

Lời giải là có thể cho thuê một số vỉa hè nhất định; nên khôi phục lại các chợ lớn, tạo điều kiện cho tầng lớp thị dân kiếm sống mà không ảnh hưởng tới sinh hoạt đô thị, nên tham khảo mô hình hội chợ tại Chiang Mai (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc)… Nhưng để duy trì trật tự vỉa hè, sự dốc sức của nhà quản lý chưa đủ, mà cần từ mỗi người dân.