Sau 1 tháng lập lại trật tự vỉa hè: Nơi co vào, chỗ phình ra

ANTD.VN - Trước nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc lập lại trật tự trên các tuyến phố, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đến thời điểm hiện tại, vỉa hè thuộc nhiều tuyến đường đã phong quang, sạch sẽ. 

Vỉa hè phố cổ tuy đã phong quang hơn song vẫn còn tình trạng bán hàng rong

Khảo sát tại một số tuyến phố khu vực phố cổ Hà Nội như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Điếu, Hàng Gà, Đồng Xuân… điểm chung chúng tôi dễ nhận thấy là khách bộ hành có thể dễ dàng tản bộ trên vỉa hè để tham quan, mua sắm mà không bị cản trở bởi các loại phương tiện và hàng hóa. Hầu hết những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, sẵn sàng trả lại vỉa hè cho người đi bộ…

Dân phố cổ sắp xếp lại việc kinh doanh

Tại khu vực phố cổ, dù diện tích trong các cửa hàng rất chật chội nhưng các hộ kinh doanh đã có nhiều sáng kiến để xếp gọn hàng hóa nhằm tiết kiệm diện tích tối đa, đảm bảo việc buôn bán  diễn ra bình thường. Bà Nguyễn Thị Thu, ở phố Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm cho biết, nếu như trước đây,  hàng về nhiều sẽ được xếp tràn ra cả vỉa hè thì nay tất cả hàng đều phải để trong nhà.

Do vậy, bà Thu đã phải bỏ bớt tủ trưng bày hàng, làm giá treo thông minh. Bên cạnh đó, căn cứ vào lượng hàng tiêu thụ hàng ngày, bà đặt hàng với số lượng vừa đủ, bán đến đâu hết đến đó chứ không nhập theo tháng như trước. Ngoài ra, chỗ nấu nướng của nhân viên trong cửa hàng cũng được trưng dụng làm chỗ để hàng, còn nhân viên ăn cơm hộp mua sẵn. 

“Ban đầu, tôi lo lắm vì diện tích kinh doanh vốn đã nhỏ, nay còn bị thu hẹp lại. Nhưng mỗi khi nhìn hè phố phong quang, sạch đẹp, tôi cũng thấy phấn khởi. Vỉa hè là diện tích sử dụng chung nên việc trả lại cho người đi bộ là đương nhiên. Tuy vậy, chúng tôi mong cơ quan chức năng đã làm phải quyết liệt đến cùng, đặc biệt là với đội ngũ bán hàng rong, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng “ném đá ao bèo” - bà Thu kiến nghị.

Tương tự, anh Vũ Văn Nam - hộ kinh doanh trên phố Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, ngay từ khi cơ quan chức năng cấm để xe trên vỉa hè, anh Nam đã phải cắt cử 2 nhân viên thường xuyên đứng trực ở cửa để hướng dẫn khách hoặc mang xe của khách đi gửi tại điểm trông giữ được cơ quan chức năng cấp phép. “Để khách yên tâm, chúng tôi thông báo luôn tiền gửi xe của khách, cửa hàng có trách nhiệm thanh toán.

Trong cửa hàng, chúng tôi đã cố gắng sắp xếp lại, thay bàn ghế cỡ lớn bằng bàn ghế nhỏ hơn để tiết kiệm diện tích. Mặc dù chi phí đầu tư khá tốn kém song về lâu dài, tôi nghĩ đây là điều cần thiết để có thể kinh doanh ổn định. Rõ ràng, việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là đúng đắn và cần thiết nhưng cần duy trì lâu dài, tránh tình trạng tái chiếm vỉa hè. Điều quan trọng là lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm minh và công bằng đối với tất cả các hộ kinh doanh” - anh Nam đề xuất.

Phòng gửi xe, hành lang chung cư biến thành nơi bán hàng ăn

Dân chung cư bán hàng khắp hành lang

Không chỉ tại phố cổ, ở các khu vực khác thuộc địa bàn Hà Nội, bộ mặt đô thị đã có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ bán hàng ăn, hàng rong… trước đây chọn vỉa hè làm nơi mưu sinh thì nay đã thuê các cửa hàng ở mặt đường, mặt ngõ làm nơi kinh doanh. Song tại các khu chung cư, đặc biệt là khu tái định cư, các chủ hộ kinh doanh hàng ăn lại đồng loạt “biến” hành lang chung cư, hầm gửi xe, các căn hộ… thành nơi bán hàng. 

Có mặt tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) trưa 30-3, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá tấp nập, nhộn nhịp bên trong các tòa nhà. Tại các toà nhà N5C, N6D, đủ loại món ăn từ bún chả, bún riêu, miến ngan đến cơm rang, trứng vịt lộn, bánh chưng rán… được bày ra la liệt, bốc khói nghi ngút, mùi thơm nức mũi sẵn sàng phục vụ thực khách. 

Do khu vực này có số lượng văn phòng khá đông nên gần như quán ăn nào cũng kín người. Hầu hết diện tích tầng 1, nhà gửi xe, hành lang chung cư đã biến thành quán ăn với bàn ghế, đồ ăn, xoong nồi, bếp than… bày ra la liệt ở cầu thang bộ, dưới hộp chữa cháy. Một số khác khi đến ăn còn được hướng dẫn bấm thang máy lên tầng trên, song vừa vào trong đã vội vã quay ra do không chịu được mùi khói, mùi thức ăn nồng nặc trong thang máy.

Cũng do đông người, những chiếc thang máy này vừa phải vận chuyển người, thức ăn, dụng cụ nấu ăn, bếp đi lên xuống nhiều lần nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Nguy hiểm hơn, nhiều hộ dân còn sử dụng bếp than tổ ong đun nấu ngay giữa hành lang chung cư, trước cửa nhiều hộ gia đình khác, bên cạnh các đồ dùng dễ cháy như quần áo, bàn ghế… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, đồng thời gây mất ANTT. 

Trước tình trạng này, không ít cư dân sống trong các toà nhà tỏ ra rất lo lắng song không thể tham gia góp ý với những hộ bán hàng do hầu hết họ là những người sống trong cùng chung cư.

Ông Vũ Văn Tuấn - người sống tại tòa nhà N5C chia sẻ: “Khắp tòa nhà đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi thức ăn. Nhiều hộ dân phải đóng cửa im ỉm suốt ngày. Không chỉ có vậy, khách ăn xong lại xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa kể đến việc thang máy vốn đã trục trặc nay thêm quá tải thì có thể xảy ra sự cố bất kỳ lúc nào. Do Ban Quản trị chưa thành lập, chỉ có Ban Quản lý, mà Ban Quản lý lại thiếu trách nhiệm nên mạnh ai nấy làm, chỉ khổ những hộ dân sống trong các tòa nhà vốn đã xuống cấp nay càng nhanh chóng hư hỏng”.

Có thể nói, sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ những ngày qua đã làm thay đổi diện mạo của Thủ đô. Tuy vậy, điều dư luận quan tâm hiện nay là giải pháp nào cho các hộ kinh doanh tại vỉa hè để họ sớm ổn định cuộc sống, đồng thời hạn chế tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè?

(Còn nữa)