Đổ mồ hôi - Những dấu hiệu bất thường

ANTĐ - Đổ mồ hôi là phản ứng bình thường giúp cơ thể giảm nhiệt khi nhiệt độ cao, tuy nhiên đổ mồ hôi quá nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh tật. 

Hạ đường huyết 

Hiện tượng này thường đi kèm với bệnh tiểu đường khi cơ thể giảm lượng đường trong máu, tuy nhiên nó có thể xảy ra ở những người không bị tiểu đường khi họ bỏ bữa. Cơ thể sản xuất hormone insulin khi hấp thụ thực phẩm trong bữa ăn - những hormone cần thiết để điều chỉnh lượng đường vào máu. Khi chúng ta bỏ bữa, thiếu đường trong máu kích thích sản xuất adrenaline - điều này gây đổ mồ hôi. 

Điều trị: Để bổ sung nhanh chóng lượng đường trong máu bạn có thể ăn một chiếc kẹo có đường. Tuy nhiên, bạn tránh ăn sô cô la vì chất béo trong sô cô la làm giảm hấp thu glucose của tế bào, vì vậy sẽ mất nhiều thời gian để bạn cảm thấy khỏe hơn. 

Vấn đề tuyến giáp

Đổ mồ hôi liên tục có thể là dấu hiệu của tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc cường giáp. Khi có quá nhiều hormon tuyến giáp được sản xuất sẽ kích thích tuyến mồ hôi.

Điều trị:  Có thể sử dụng thuốc để làm giảm mức độ hormone tuyến giáp, tuy nhiên, có thể mất khoảng một tháng để thuốc có tác dụng. Vì vậy, loại thuốc được gọi là thuốc ức chế beta cũng được sử dụng vì có tác dụng ngay lập tức khi bị đánh trống ngực và tăng nhịp tim. 

Suy giảm hormone sinh lý 

Những người đàn ông đổ mồ hôi vào ban đêm, ngay cả khi nhiệt độ không cao, có thể do mức testosterone thấp. Khi nồng độ testosterone thấp, vùng dưới đồi - một khu vực trong não điều khiển nhiều chức năng bao gồm cả nhiệt độ cơ thể và huyết áp - nhận được tín hiệu sai rằng cơ thể quá nóng, đổ mồ hôi là cách cơ thể hạ nhiệt. Nguyên nhân chính của testosterone thấp là do khi còn nhỏ bị bệnh quai bị gây viêm và tổn thương tinh hoàn. Đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ là một dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Đổ mồ hôi có thể nhiều hơn ở giai đoạn trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt vì đây là thời điểm nồng độ estrogen ở mức thấp nhất. Đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể do uống rượu.

Điều trị: Testosterone thấp ở nam giới có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và điều trị bổ sung testosterone ở dạng gel hoặc tiêm. Các loại thảo dược từ thực vật có tác dụng kích thích tố nữ, giống như estrogen. 

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Nguyên nhân hiện tượng này là do dùng thuốc trầm cảm làm tăng mức độ của kích thích tố căng thẳng như noradrenaline, dẫn đến đổ mồ hôi quá mức. Các thuốc khác cũng gây đổ mồ hôi bao gồm các loại thuốc huyết áp, thuốc chữa bệnh khô miệng, thuốc cảm lạnh và cúm có chứa ephedrine, viên sắt và thuốc kháng sinh. Việc dừng sử dụng thuốc giảm đau có thể gây ra đổ mồ hôi. 

Điều trị: Đối với những người mắc bệnh trầm cảm, nên thư giãn hoặc tập thể dục để giảm căng thẳng. Bạn nên giảm lượng caffeine vì chúng làm tăng huyết áp và nhịp tim tăng nhanh, do đó có thể làm tăng tiết mồ hôi. 

Vấn đề cơ quan thần kinh

Hầu hết mọi người tiết một lít mồ hôi mỗi ngày, và có thể nhiều hơn khi trời nóng hoặc khi tập thể dục. Nếu bạn thấy mình đổ mồ hôi ngay cả khi thời tiết lạnh hoặc không tập thể dục, nó có thể là một dấu hiệu của hyperhidrosis, chứng đổ mồi hôi quá nhiều của cơ thể ở tay, chân và mặt. Tình trạng này khiến bạn dễ mắc các chứng bệnh như: cảm lạnh, mất nước và các bệnh viêm nhiễm da. Những người bị hyperhidrosis được cho là có một số lượng quá nhiều tín hiệu thần kinh đi từ não đến các tuyến mồ hôi.

Điều trị: Sử dụng thuốc ngăn mồ hôi và diệt khuẩn có chứa nhôm clorua. Tuy nhiên, loại thuốc này nó có thể gây kích ứng. Tiêm Botox trong lòng bàn tay có thể ngăn chặn các xung thần kinh kiểm soát các tuyến mồ hôi. 

Đau tim

Ra mồ hôi và cảm giác mệt mỏi có thể là một dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim. Các triệu chứng bao gồm tức ngực, đau ngực nặng. Khi bị ra mồ hôi trong tình trạng này một phần của phản ứng vasovagal, là tình trạng phổ biến một người khỏe mạnh tạm thời mắc chứng huyết áp thấp, nhịp tim chậm và đôi khi ngất xỉu. Phản ứng vasovagal cũng có thể xảy ra nếu một người nào đó bị cơn đau dữ dội, chảy máu não hoặc viêm ruột thừa cấp tính. 

Điều trị: Bất cứ ai nghi ngờ đau tim cần nhanh chóng đến bệnh viện. Trong khi chờ cấp cứu, họ phải ngồi trong tư thế thoải mái và trừ khi dị ứng bạn có thể từ từ nhai một viên aspirin 300mg. Điều này sẽ giúp làm loãng máu, giảm đông máu và có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông làm nghẽn mạch.