Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đồng tình với nhận định của một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra nợ xấu ngân hàng nghiêm trọng như hiện nay là đầu tư chéo và sở hữu chéo. Đầu tư chéo là các ngân hàng thương mại đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp nhưng thông qua công ty chứng khoán hoặc công ty bảo hiểm. Còn sở hữu chéo là các khoản đầu tư tài chính do các định chế tài chính hoặc các doanh nghiệp thực hiện để sở hữu chéo vốn của nhau. Bản thân sở hữu chéo là một “chất dẫn” lan truyền rủi ro giữa các ngân hàng, các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh hoặc tài chính. Nếu cộng thêm đầu tư chéo, quy mô của sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ được khuếch đại và làm gia tăng mức độ lan truyền rủi ro hệ thống.
Có thể nói, tình trạng rủi ro chéo trong nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đã cộng hưởng làm nợ xấu gia tăng và trở nên phức tạp. Ông Chủ tịch Ủy ban thừa nhận, mặc dù đã “nhận dạng” sở hữu chéo từ khá lâu và đã sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng, song thực tế vẫn còn không ít trường hợp lách luật bằng cách đầu tư vốn thông qua trung gian. Việc “nhận dạng” rủi ro đã khó, đo lường rủi ro chéo còn khó hơn nhiều. Muốn đo lường được điều đầu tiên là phải xác định một cách tương đối xác thực quy mô, khối lượng, đối tượng. Đây là một thách thức rất lớn cho các cơ quan quản lý và giám sát. Chẳng hạn, một số ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng dưới hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư, ứng vốn đầu tư chứng khoán. Đương nhiên các giao dịch này không được hạch toán và theo dõi ở hạng mục “cho vay khách hàng” trong bản cân đối tài chính. Các hành vi này không dễ để các cơ quan thanh tra, giám sát phát hiện, nhất là khi nó được thực hiện qua một trung gian khác trước khi tiền đến tay địa chỉ cuối cùng. Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại “ngân hàng ngầm” do các định chế tài chính phi ngân hàng thực hiện, nhưng các giao dịch này chưa được quy định trong quy chế về hoạt động ngân hàng nên không chịu sự kiểm soát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.
Tính chất phức tạp và mờ ám trong đầu tư chéo, sở hữu chéo đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan giám sát trong việc nhận định, phát hiện và đo lường rủi ro chéo. Là cơ quan có lợi thế theo dõi được dòng tiền trên thị trường tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có điều kiện để phát hiện điểm đến cuối cùng của dòng tiền cũng như phát hiện các “ngã rẽ” của dòng tiền. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, cần phải thiết lập cơ chế để theo dõi kịp thời, đầy đủ dòng tiền trên thị trường tài chính từ điểm đầu cho tới điểm cuối. Các tổ chức tài chính quốc tế cảnh báo, “quả bom” nợ xấu rất có thể bùng nổ trong năm 2013, nếu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không mạnh tay, quyết liệt hơn nữa.