- Hà Nội: Người dân hài lòng nhất với thủ tục cấp Chứng minh nhân dân
- Người dân chưa bằng lòng về đạo đức, cung cách phục vụ của công chức
- Đột phá trong lĩnh vực OTT, hình thành một "xã hội" trên di động
Phát 12.200 phiếu thăm dò
Theo kế hoạch vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, đơn vị được khảo sát chất lượng phục vụ ở 4 lĩnh vực trên là Sở LĐ-TB&XH Hà Nội; các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Việc khảo sát sẽ được thực hiện tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - nơi cá nhân, tổ chức đến làm thủ tục tại các đơn vị nêu trên.
Công tác thu thập ý kiến đánh giá của tổ chức và cá nhân được thực hiện bằng phương pháp khảo sát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng bảng hỏi. Các điều tra viên sẽ trực tiếp phỏng vấn cá nhân và tổ chức... và làm việc với các cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ; hướng dẫn cá nhân điền hoặc trực tiếp điền thông tin trả lời của cá nhân, tổ chức về chất lượng các dịch vụ được khảo sát. Thời gian điều tra là trong năm 2016 và thời kỳ thu thập thông tin từ 1-1-2016 đến 31-12-2016.
Phiếu điều tra được thiết kế nhằm xác định chỉ số hài lòng và trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của thành phố cũng như các thủ tục được lựa chọn. Có 4 mẫu phiếu điều tra tương ứng với 4 nhóm dịch vụ hành chính nêu ở trên để xác định chỉ số hài lòng.
Tổng số phiếu điều tra, khảo sát là 12.200 phiếu. Trong đó, lĩnh vực Lao động việc làm dự kiến phát 500 phiếu điều tra; lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp - 6.300 phiếu; lĩnh vực Bảo trợ xã hội - 2.700 phiếu và lĩnh vực Người có công - 2.700 phiếu. Tổng số có 17 dịch vụ hành chính công thuộc 4 nhóm lĩnh vực nói trên sẽ được tiến hành khảo sát.
Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội là cơ quan chủ trì tiến hành việc kiểm tra, xử lý, nhập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra và chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thành phố Hà Nội năm 2016 đối với 4 nhóm dịch vụ nói trên; trình UBND TP Hà Nội trong quý I-2017.
Phải khách quan, công bằng, minh bạch
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, yêu cầu chung là việc tiến hành khảo sát, đánh giá trong đợt này phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, khách quan, công bằng và minh bạch. Đồng thời, phải phản ánh đúng thực tế hoạt động thực hiện giải quyết dịch vụ hành chính của cơ quan, đơn vị trong diện khảo sát. Các phương pháp điều tra, khảo sát, đo lường cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, số lượng giao dịch của các dịch vụ hành chính công.
Kết thúc quá trình khảo sát, phải xác định được chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước đối với 17 dịch vụ hành chính thuộc 4 lĩnh vực nói trên. Cùng với đó, cần phân tích, làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên toàn địa bàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, quan điểm của thành phố là thông qua điều tra, khảo sát để lấy ý kiến đánh giá của cá nhân, tổ chức trên địa bàn Hà Nội về sự phục vụ của cơ quan hành chính và chất lượng cung ứng một số dịch vụ hành chính công đối với các nhóm dịch vụ hành chính thuộc các lĩnh vực đang được các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội thực hiện là Lao động, việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo trợ xã hội; Người có công. Qua đó, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thành phố.
“Việc điều tra, khảo sát sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của cá nhân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ hành chính công và nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ cá nhân, tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố ngày càng tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Sửu nói.