Đình chỉ, thu hồi giấy phép phòng khám truyền dịch khiến nữ công nhân tử vong

ANTD.VN - Chiều nay, 8-4, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã ra quyết định đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội).

Phòng khám Kết Châu đã bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép

Phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu do bác sĩ Dương Văn Kết - bác sĩ chuyên khoa I Nội (nguyên Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện Việt Xô, đã nghỉ hưu 5 năm) - phụ trách chuyên môn.

Lý do Sở Y tế Hà Nội đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu là để phục vụ công tác điều tra, xác minh của cơ quan công an quận Thanh Xuân về vụ việc bệnh nhân tử vong ngày 7-4 sau khi khám và điều trị tại phòng khám này.

Trao đổi thêm với báo chí về vụ việc, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân - Sở Y tế Hà Nội cho biết, Phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015 trong lĩnh vực chuyên khoa nội, siêu âm. Phòng khám đáp ứng đầy đủ giấy tờ thủ tục, có trang bị các phương tiện cấp cứu, bác sĩ truyền dịch cho bệnh nhân đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám không được thực hiện tiêm, truyền. Việc phòng khám tự ý truyền dịch cho bệnh nhân là vượt phạm vi hoạt động. 

Hiện tại, toàn bộ giấy tờ, giấy phép cũng như cơ sở vật chất của phòng khám đã bị Công an niêm phong.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, khoảng 18h30 chiều qua, 7-4, bệnh nhân Phạm Thị Hòa (sinh năm 1986, hộ khẩu thường trú tại Thừa Thiên Huế, tạm trú tại phường Khương Đình) đến Phòng khám chuyên khoa nội Kết Châu khám do mệt lả, không ăn được 2-3 hôm, có tiền sử hay bị tụt huyết áp.

Bệnh nhân được bác sĩ Dương Văn Kết truyền 01 chai Natri Clorid 0,9% (500 ml), sau khi truyền hết 1 chai thì tình trạng bệnh có khá hơn. Theo ông Kết, lúc này bệnh nhân tha thiết yêu cầu ông truyền thêm chai đạm để tăng sức khỏe. Sau khi xem xét tình trạng bệnh nhân, ông Kết tiếp tục truyền 01 chai Alvesin 40 (250 ml) sản xuất tại CHLB Đức.

Thế nhưng sau truyền khoảng 5-10 phút, hết khoảng 1/5 chai đạm, bệnh nhân thấy ngứa. Ông Kết dừng truyền đạm ngay, chuyển sang chai Natri Clorid 0,9% (500 ml), đồng thời cho bệnh nhân thở oxy 4-5 lít/phút. Bệnh nhân tiếp tục có dấu hiệu tức ngực, khó thở, nôn, tím tái, dù được bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng sau đó đã ngừng tim vào hồi 20h30’, tại phòng khám.