Điều hành chặt hay lỏng

ANTĐ - Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra, đánh giá. Theo đó, 10 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt lại là những chỉ tiêu quan trọng. “Bức tranh” kinh tế 9 tháng qua có những mảng sáng - tối đan xen cho nên cũng có những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Thực tế đang diễn ra và số liệu báo cáo còn khoảng cách đáng kể, một số giải pháp dự kiến đưa ra nhưng thấy phản ứng liền rút lại.

Quý trước lo giảm phát thì quý này lại lo lạm phát tăng mạnh. Khi phân tích các yếu tố khiến CPI tháng 9 tăng mạnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói rằng, một phần do tăng giá dịch vụ y tế nên Chính phủ đã yêu cầu dừng tăng. Còn nếu do nhóm chi phí giáo dục thì cũng chỉ mang tính thời vụ. Nói cách khác không cần quá lo lắng đến lạm phát.

Bởi vậy, Chính phủ nhìn nhận tình hình này lạm phát chỉ ở mức độ “có xu hướng tăng trở lại”. Mặc dù, mức tăng CPI của tháng 9 cao trở lại sau 16 tháng trầm lắng, theo đánh giá của Chính phủ vẫn là mức tăng thấp so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của nhiều năm trước. Thế nhưng không ít chuyên gia kinh tế lại lên tiếng cảnh báo, đó là mức tăng “quá bất ngờ, bất thường, vượt quá dự báo và không thể xem thường”. Giữa luồng ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái chiều, việc dự báo chỉ số CPI tháng 10 liệu có tiếp tục đà tăng của tháng 9 hay chỉ tăng nhẹ hoặc dừng lại, là rất khó thống nhất. Mấy ngày gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 vào khoảng 5,1-5,2%, giảm so với mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2011.

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, mức lạm phát cao 18,7% trong năm 2011 của Việt Nam sẽ được kiểm soát thành công ở mức 8,1% năm 2012. Thậm chí, vị đại diện còn lạc quan dự báo, chỉ số lạm phát năm 2013 còn xuống mức thấp hơn vào khoảng 6,2%. Tuy vậy, ông vẫn khuyến nghị Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay cao, một lượng vốn lớn “chôn” trong lĩnh vực bất động sản và không có khả năng thanh khoản đang khiến lĩnh vực ngân hàng, tài chính có “vấn đề” lớn.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, áp lực lạm phát có thể giảm dần tạo ra một khoảng thời gian nhất định cho chính sách tài chính của Việt Nam kích thích tăng trưởng. Tuy vậy, chính sách này sẽ hiệu quả hơn khi nhu cầu tiêu dùng trong nước giữ được ở mức cao bởi lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào. Ở thời điểm những tháng cuối năm, khi “lạm phát kỳ vọng” vẫn chưa giảm, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ cơ bản cần tính toán, lựa chọn, nếu không sẽ gây tâm lý lạm phát, tác động đến hành vi của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp. Chỉ số CPI có thể sẽ “vọt” lên cao hơn tháng 9, như vậy không chỉ tháng 10 mà kéo sang cả năm sau, lạm phát có khả năng tăng cao trở lại.

Đề phòng tình hình giá cả cuối năm là cần thiết, nhưng nếu thắt chặt tiền tệ quá mức, nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái giảm phát, suy thoái nguy hiểm không kém lạm phát. Nói cho cùng, vấn đề quyết định vẫn là bàn tay điều hành chặt hay lỏng.