Điều có thể tránh

ANTĐ - Ngày 20- 11, Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đường phố đông vui, nhộn nhịp, đầy người và hoa. Các em đến thăm thầy cô từng tốp,  ăn mặc lịch sự, nét mặt vui tươi, cười nói ríu rít. Trước mặt tôi là một nhóm các em khá lớn, nam nữ đủ cả, có lẽ là sinh viên. 

Bỗng, tiếng một em cất lên làm tôi chú ý: 

- Đến bà Oanh xong là sang luôn bà Yến nhé. 

Tiếng các em khác: 

- Sợ không tìm được nhà bà Yến. Vì nghe đâu bà ấy chuyển nhà đi nơi khác rồi. 

Mẩu đối thoại chỉ ngắn ngủi nhưng tôi sững ra. Tôi không phải là nhà giáo, không phải là người khó tính. Nhưng nghe các em nói thế, tôi rất khó chịu vì xưng hô là thể hiện thái độ, tình cảm đối với nhau.

Có một lần, đi trên đường phố, tôi cũng nghe loáng thoáng, khi tan học, các em gọi thầy cô là bà, là ông. Lúc ấy, tôi không khó chịu lắm vì có thể các em đã mắc lỗi mất trật tự, không thuộc bài, đi học muộn… nên bị thầy cô phê bình, quở trách, phạt…

Nhưng hôm nay, ngày 20-11, Ngày Tết của thầy cô. Các em ăn mặc lịch sự, ôm những bó hoa tươi thắm, đến thăm và chúc mừng thầy cô. 

Tôi mường tượng lát nữa đến nhà cô Oanh, cô Yến, ngồi trước mặt các cô, các em sẽ nói gì? 

Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, sao các em lại gọi thầy cô như thế?