“Điện tử hóa” từ công chức

ANTĐ - Công cuộc cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà, thời gian và công sức của người dân, doanh nghiệp đã đi qua một chặng đường dài. Với những giải pháp được thực thi như “một cửa, một dấu”, thông quan điện tử hoặc “một cửa quốc gia” đã mang lại những thành quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân của bộ máy công quyền. Tuy nhiên, vẫn rất cần những nỗ lực đột phá, cải cách công tác quản lý trong các bộ, sở, ngành, nhất là hoạt động của chính quyền địa phương cấp quận, huyện, phường, xã..., nơi vẫn còn không ít vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân.

Trong thời đại công nghệ số, TP.HCM đã quyết liệt đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong công tác quản trị. Theo đó, trong năm nay, TP sẽ triển khai ứng dụng hệ thống chính quyền điện tử, văn phòng điện tử vào các dịch vụ hành chính công. Có thể gọi đó là văn phòng “không giấy” liên thông kết nối từ UBND TP đến các quận, huyện, sở, ban, ngành để tạo lập môi trường làm việc thông thoáng.

Sở Kế hoạch-Đầu tư cũng thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, UBND quận và các phường trực thuộc sẽ số hóa thông tin cá nhân của công dân. Như vậy, chỉ cần thực hiện một vài thao tác đơn giản trên màn hình cảm ứng tại cơ quan hành chính, thậm chí ngồi ở nhà chỉ “click chuột” rồi điền thông tin vào biểu mẫu có sẵn trên mạng, người dân sẽ được giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và nhận được các loại giấy tờ cần thiết tận nhà nhanh nhất. Thông qua văn phòng điện tử, việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị trở nên thuận lợi, nhanh chóng nhờ tích hợp và liên thông khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và hồ sơ công việc quan trọng.

Chính quyền điện tử, văn phòng điện tử hay văn phòng “không giấy”, tất nhiên được người dân và doanh nghiệp hồ hởi đón nhận, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn có những cán bộ, công chức quản lý chưa tỏ ra sẵn sàng với chính quyền điện tử. Cho tới nay, ở TP.HCM vẫn còn 50% lãnh đạo cấp quận, huyện, sở không sử dụng email trong giao dịch với người dân mặc dù công cụ này rất minh bạch, công khai. Để có được chính quyền điện tử “không giấy”, điều kiện tiên quyết là phải có những cán bộ, công chức sẵn sàng “điện tử hóa”.