Diện mạo mới của phố Lãn Ông

ANTĐ - Được khởi công từ tháng 11-2013, dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông (phường Hàng Bồ, Hà Nội) đang được kỳ vọng sẽ đem lại diện mạo đẹp cho con phố này, đồng thời tạo thêm một điểm thu hút khách du lịch phố cổ, sau khi dự án cải tạo mặt đứng phố Tạ Hiện đã hoàn thành năm 2011.  

Phố Lãn Ông là con phố hiếm hoi còn giữ nghề truyền thống

Triển khai được 50%

Phố Lãn Ông được giới hạn từ phố Thuốc Bắc đến phố Chả Cá, nằm trên địa bàn phường Hàng Bồ. Xét về lịch sử, phố Lãn Ông đóng vai trò rất quan trọng bởi trước đây, con phố này nằm trên trục chính của phố cổ theo chiều Đông- Tây. Xung quanh tuyến phố này còn lại rất nhiều di tích quan trọng như đền Bạch Mã, đền Quan Đế, đền Hương Tượng, đình Tân Khai – chùa Thái Cam, hội quán Phúc Kiến, hội quán Quảng Đông…  Phố Lãn Ông vừa là phố nghề thủ công truyền thống, vừa là phố chuyên doanh, nức tiếng với nghề Đông Nam dược. Đến con phố này, du khách như bị quyến rũ bởi hương thơm từ các loại hương liệu, thảo mộc. Cho tới ngày nay, Lãn Ông là một trong số những con phố hiếm hoi ở Hà Nội còn lưu giữ được nghề truyền thống. 

Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông được triển khai từ tháng 11-2013 với chiều dài 120m, gồm 42 biển số nhà, giới hạn từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc, tổng số vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Theo ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho đến nay, dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố Lãn Ông đã hoàn thành được 50%. Trong đó, đối với những công trình được bảo tồn hết lớp 1 đã trùng tu được 2/6 ngôi nhà. Các công trình này được khởi công theo hướng: tháo dỡ những kiến trúc và vật liệu không phù hợp, khôi phục kiến trúc ban đầu của công trình, sử dụng vật liệu kiến trúc truyền thống… Thực tế, hầu hết nhà bảo tồn hết lớp 1 đều là các công trình nhà có kết cấu tường, sàn bằng gạch, mái, cửa bằng gỗ - một số cấu kiện có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng do thời gian sử dụng quá lâu. Tuy nhiên, sau khi tiến hành chỉnh trang, theo lối truyền thống, lợp mái bằng ngói ta, thay các cấu kiện gỗ như xà gồ, cầu phong, li tô… thì diện mạo căn nhà đã thay đổi. 

Căn nhà số 30 phố Lãn Ông được thay mới cửa, xà gồ mái và quét vôi tường

Thêm một điểm thu hút khách du lịch

Song song với các công trình bảo tồn hết lớp 1, dự án cũng tiến hành cải tạo, chỉnh trang mặt đứng với tổng số 42 nhà. KTS Thái Duy Anh - cán bộ phòng quản lý dự án cho biết, toàn bộ phố Lãn Ông xuất hiện nhiều công trình nhà ở với các dạng kiến trúc đan xen như kiến trúc Việt Nam, kiến trúc Trung Hoa, Pháp và đặc biệt có một số kiến trúc hiện đại được xây dựng trong thời gian gần đây. Cụ thể, có một số nhà tự ý tháo cửa gỗ, thay bằng cửa xếp, hoặc mở rộng cơi nới lồng sắt… Bởi vậy, chỉnh trang mặt đứng không thể chỉ sửa chữa, quét vôi bên ngoài mà vẫn phải tháo dỡ, sửa chữa lại những phần kiến trúc không phù hợp để trả lại kiến trúc truyền thống, hài hòa với tổng thể cảnh quan khu phố. Cho đến nay, số căn nhà được cải tạo mặt đứng được hoàn thiện là 20/42 nhà. 

Theo ông Phạm Tuấn Long – một trong những điểm khó khăn đó là phải tiến hành thi công khi các hộ dân phải ăn ở, sinh hoạt cùng công trình nên chỉ triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”. Khi thi công những nhà bảo tồn hết lớp 1, đơn vị thi công đã phải thiết lập những giàn giáo thép để tiện xây dựng, che chắn để không ảnh hưởng đến việc buôn bán, giao thông… Ngoài ra, mặt bằng phố tương đối chật hẹp, cộng thêm việc tuyến phố cấm các xe chở vật liệu trong khung giờ nhất định khiến cho việc thi công cũng gặp nhiều cản trở. Tuy nhiên, với tiến độ triển khai như hiện tại, dự án sẽ hoàn thiện ngay trong quý IV năm nay, và hy vọng là một công trình có ý nghĩa kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10/2014). Không những sẽ góp phần làm đẹp tuyến phố Lãn Ông, dự án còn góp phần quan trọng vào việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, bảo tồn nghề làm thuốc truyền thống cũng như kích thích du lịch phát triển, tạo thêm một địa điểm thu hút du khách trong khu vực phố cổ.