“Điểm huyệt” mùi cơ thể

ANTĐ - Trong cuộc sống, một số người có thể “bốc mùi” hơn người khác vì khó tránh được mùi cơ thể. Tuy nhiên, chỉ mất một vài bước đơn giản là có thể khắc phục được điều này.

“Điểm huyệt” mùi cơ thể ảnh 1

Chân 

Chân xỏ trong giày, lại đi tất tạo ra môi trường nóng, ẩm, tối – môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn hoặc nấm. Ngay cả những đốm trắng li ti ở kẽ ngón chân là tế bào da đã phân hủy cũng bị ám mùi khi chân đổ mồ hôi, mà mồ hôi tỏa ra khi đi giày không có cách nào thoát ra được.

Cách khắc phục là thay đổi giày mỗi ngày. Sau khi tập thể dục hoặc phải đi bộ lâu, hãy tháo giày ra để chân nghỉ ngơi. Đi loại tất và miếng lót hút ẩm tốt, giày dép thoáng khí. Luôn giữ cho đôi chân sạch sẽ, rửa bằng xà phòng và lấy khăn lau thật khô. Có thể dùng phấn rôm bôi vào kẽ ngón chân để giúp hấp thụ mồ hôi.

Vùng dưới cánh tay

Theo thống kê, 3% dân số thế giới bị chứng đổ mồ hôi quá mức (hyperhidrosis). Tuy nhiên, với bất kỳ ai thì vi khuẩn cũng đặc biệt thích các protein và axit béo do các tuyến mồ hôi apocrine sản sinh ra, phát triển tại khu vực có lông nách (và háng).  Thông thường, sau khi ra khỏi phòng tắm, hãy đợi ít nhất 15 phút mới bôi chất chống mồ hôi hoặc chất khử mùi (như chanh chẳng hạn) bởi chúng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất đối với vùng da khô. Làm sạch lông nách vì lông có xu hướng giữ lại mùi. Ngoài ra, nên mặc đồ lót hấp thụ mồ hôi và tốt nhất luôn giữ cho cơ thể mát mẻ, tránh đổ mồ hôi.

Tai

Khi bụi bẩn và côn trùng từ bên ngoài tìm đường vào bên trong ống tai ẩm, chúng có thể bắt đầu phân hủy và tạo ra mùi rất hôi. Mồ hôi hoặc nước bị kẹt lại sau lớp ráy tai, rất dễ dẫn đến tình trạng bị nhiễm trùng, bốc mùi. Các chuyên gia ví tai giống như một chiếc lồng ấp. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị nhiễm trùng tai, mủ có mùi chảy ra khỏi tai. 

Bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo những người dễ bị viêm tai nên làm sạch tai bằng thuốc nhỏ mắt, không dùng bông ngoáy tai vì rất có thể phần bông bị mắc lại hoặc đẩy ráy tai vào sâu hơn. Những ai hay đi bơi nên dùng nút tai chống thấm nước để bảo vệ. 

Miệng

Những người xung quanh đều nhận ra mùi mỗi lần bạn ăn tỏi. Tuy nhiên, nếu là chứng hôi miệng mãn tính thì đó lại là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Viêm họng hạt, tình trạng nổi hạt như những viên sỏi nhỏ phía sau cổ họng do nhiễm trùng amiđan hoặc viêm họng thực sự phát ra mùi nặng. Cùng với đó, trào ngược axit cũng có thể gây hôi miệng và trường hợp cực kỳ hiếm, hơi thở có mùi có thể là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư. 

Chúng ta đều biết quy tắc cơ bản cho sức khỏe răng miệng là đánh răng và dùng chỉ nha khoa hai lần một ngày. Bạn cũng có thể súc miệng nước muối (tỷ lệ một thìa muối với 200ml nước ấm) như một thói quen buổi sáng bởi vì nước muối có tác dụng diệt khuẩn. Hàng ngày, hãy cố uống nước càng nhiều càng tốt vì càng uống nước, nước bọt càng được tạo ra nhiều hơn giúp rửa sạch vi khuẩn gây mùi hôi miệng. Trà xanh cũng là một thức uống tốt cho răng miệng vì chất chống oxy hóa của nó thay đổi hợp chất lưu huỳnh gây hôi miệng. Lưu ý thực phẩm và đồ uống cần tránh là các sản phẩm sữa, sô cô la và rượu.