Dịch tay chân miệng vẫn trong tầm kiểm soát

ANTĐ - Có thực sự chúng ta vẫn đang kiểm soát được dịch tay chân miệng và tại sao lại không công bố dịch dù hiện cả số mắc lẫn tử vong đều đã tăng rất cao, đó là 2 vấn đề mà người dân đang hết sức quan tâm.

Hướng dẫn học sinh mầm non rửa tay thường xuyên và đúng cách để phòng chống bệnh chân, tay, miệng

Không phải vì bệnh thành tích

Bộ Y tế đã có buổi gặp mặt trao đổi với các cơ quan báo chí về công tác phòng chống dịch tay chân miệng TCM. Đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời 2 câu hỏi mà báo chí và dư luận đang hết sức quan tâm liên quan đến dịch TCM vào thời điểm này. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nhiều nước trong khu vực cũng đang có dịch TCM, thậm chí một số nước như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc… có tỷ lệ mắc trên đầu dân cao hơn ở nước ta nhiều lần, tuy nhiên theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến ngày 11-10, chưa có bất cứ nước nào công bố dịch. Do đó, dù số mắc và tử vong do TCM ở nước ta năm nay cao hơn đến 30-40% so với năm ngoái, song cả về lý thuyết lẫn thực tiễn đều không nên công bố dịch vào thời điểm này.

Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì chỉ được công bố dịch trong phạm vi quốc gia khi có 2 tỉnh/thành phố công bố dịch. Hiện tại, nhiều tỉnh thành ở nước ta có số mắc, tử vong do TCM rất cao, đã đủ điều kiện công bố dịch nhưng đến thời điểm này vẫn không công bố dịch. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, các tỉnh không công bố dịch không phải vì mắc “bệnh thành tích” mà là vẫn còn khả năng kiểm soát dịch. Hơn nữa, nếu công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội khác. “Với bệnh TCM mà công bố dịch thì chẳng nhẽ cứ máy bay, xe chuyên dụng liên tục lên đường chở phân, mẫu nước tiểu, bệnh phẩm của bệnh nhân để đem về xét nghiệm” - bà Tiến lấy ví dụ.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, những năm gần đây chỉ có WHO công bố dịch cúm A/H1N1 vì đây là dịch lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp nên lây lan rất nhanh, rất mạnh, có thể lên đến hàng chục triệu người mắc. Trong khi đó, dịch TCM bản chất đã là một dịch bệnh lưu hành nhiều năm, khu trú chủ yếu chủ yếu tại khu vực phía Nam, với đối tượng mắc chủ yếu là trẻ em nên không nhất thiết phải công bố ở mức quốc gia. Dù không công bố nhưng chúng ta không lơ là trước dịch bệnh này, nhất là với tính mạng của trẻ nhỏ.

Dịch đã đến đỉnh

Vậy, có thực sự các địa phương vẫn đang kiểm soát được dịch TCM vào thời điểm này? Đại diện Bộ Y tế không trả lời một cách khẳng định nhưng lập luận rằng hiện dịch đã lên đến đỉnh và sẽ giảm trong 1, 2 tháng tới. Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, từ đầu năm tới nay cả nước ghi nhận 77.895 ca mắc TCM tại 63 tỉnh/ thành, trong đó có 137 ca tử vong tại 27 tỉnh thành. Đáng chú ý, qua điều tra của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thì trong số các trẻ mắc TCM tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre, tỷ lệ trẻ không đi học bị mắc bệnh chiếm đến 76,9%, chỉ có gần 20% số trẻ mắc được ghi nhận tại các nhà trẻ công lập, nhà trẻ tư nhân là 1,71%, học sinh phổ thông cơ sở là 0,85%.

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, các tỉnh có số mắc TCM trầm trọng nhất như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đều đã đến đỉnh của dịch và dịch đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, tại nhiều tỉnh miền Bắc lại đang tăng cao như ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình… do đây là những địa phương dịch mới lan ra và chưa tới đỉnh, trong 1, 2 tháng nữa sẽ giảm. Bởi hàng năm, bệnh TCM đều có chu kỳ tăng giảm như hình parabol và thông thường tháng 9-10 là đỉnh của dịch. TS. Bình cũng nhận định, trong thời gian tới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp bởi chưa có biện pháp y tế đặc hiệu để khống chế bệnh là thuốc và vaccine.

Truyền thông chưa trúng đích

Cũng tại cuộc trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, công tác truyền thông thay đổi hành vi trong phòng chống dịch bệnh TCM ở nước ta thời gian qua là chưa trúng đích, chưa hiệu quả. Theo đó, TCM là bệnh lây từ phân sang miệng và nguy cơ tử vong cao, có thể diễn biến nhanh trong vòng 24h. Không ai có thể bảo vệ thay được ngoài việc người dân phải chủ động phòng chống căn bệnh này, nhất là các bậc cha mẹ đối với trẻ nhỏ. Bà Tiến chỉ ra, với bệnh TCM chỉ cần tuyên truyền sâu rộng về thông điệp cho người dân là “Rửa tay bằng xà phòng”. Đấy là thông điệp quan trọng nhất, cần tuyên truyền nhất.

Được biết, hiện các chuyên gia trong nước cũng đã tiến hành nghiên cứu về chủng EV 71 để tiến tới sản xuất vaccine phòng chống bệnh này.