Dịch sởi được khống chế nhờ 20 triệu trẻ đi tiêm chủng

ANTĐ - Nếu như cùng thời điểm này năm ngoái dịch sởi đang bùng phát mạnh với hàng trăm ca mắc, nhiều ca tử vong thì từ đầu năm 2015 đến nay chỉ ghi nhận rải rác, không xuất hiện ổ dịch. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine sởi - rubella với gần 20 triệu trẻ trên toàn quốc được tiêm đã góp phần quan trọng vào kết quả này.

Tỷ lệ trẻ đi tiêm đạt 97,4%

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này, chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc đã được tổ chức thành công với gần 20 triệu trẻ được tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ lên đến 97,4%.

Dịch sởi được khống chế nhờ 20 triệu trẻ đi tiêm chủng ảnh 1

Tiêm chủng mở rộng tại TTYTDP Hà Nội

Trong suốt chiến dịch, công tác an toàn tiêm chủng luôn được quan tâm nên rất ít các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng xảy ra, chỉ ghi nhận một số trường hợp sốt nhẹ, nhức đầu do phản ứng tâm lý dây chuyền ở nhóm trẻ vị thành niên… chiếm khoảng 0,04% (thấp hơn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là từ 5-15%). Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, thành công của Chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella được thể hiện và minh chứng rõ nhất thông qua thực tiễn là từ đầu năm 2015 đến nay không xuất hiện dịch bệnh sởi, rubella trên cả nước, mặc dù hiện đang là mùa dịch sởi và dịch sởi vẫn đang được ghi nhận tại các nước phát triển như Mỹ, Canada hay một số nước trong khu vực.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong quý I-2015 toàn thành phố mới chỉ ghi nhận 101 ca sốt phát ban nghi sởi, giảm 94% so với cùng kỳ 2014. Điều này cũng chứng tỏ trong cộng đồng dân cư đã có miễn dịch đầy đủ. 

Bỏ sót đối tượng tiêm là rất nguy hiểm

Tuy nhiên, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng vaccine sởi- rubella cũng gặp phải một số khó khăn trong việc quản lý, điều tra đối tượng, nhất là ở những thành phố lớn có nhiều biến động dân cư, nhiều khu công nghiệp. Ông Trần Đắc Phu cho biết, thực tế khó khăn này đã xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM, riêng TP.HCM hiện nay vẫn đang khẩn trương triển khai chiến dịch đợt 3 và tiêm vét vaccine sởi - rubella nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng theo yêu cầu.

Ngoài ra tại những thành phố lớn này, do người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn nên một số người có tâm lý chờ đợi, tin tưởng hơn vào tiêm vaccine dịch vụ. Để khắc phục, Bộ Y tế đã yêu cầu từng tỉnh, thành phố phải rà soát, báo cáo và nắm xem còn bao nhiêu xã, phường trên địa bàn chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% để tăng cường giám sát, khẩn trương tổ chức tiêm vét nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng. 

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường vận động các đối tượng trong độ tuổi bắt buộc phải tiêm vaccine sởi - rubella mà chưa được tiêm phải đi tiêm chủng để đạt tỷ lệ cao. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Việc bỏ sót đối tượng bắt buộc phải sử dụng vaccine là rất nguy hiểm vì nếu không được tiêm trẻ sẽ rất dễ bị mắc bệnh sởi, rubella, đồng thời là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng”. “Bộ Y tế mong muốn các bậc cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ và mọi người dân có trách nhiệm đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bởi đây là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Đừng nên bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” – ông Trần Đắc Phu nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố theo dõi sát, nắm chắc các đơn vị có tỷ lệ tiêm chủng mở rộng còn thấp để kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu ngành y tế Thủ đô phải nhanh chóng khắc phục tình trạng khan hiếm, thiếu một số loại vaccine dịch vụ hiện nay để đáp ứng nhu cầu của người dân.