Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực lên trẻ em, gia tăng bất an, sợ hãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021, ban tổ chức cho biết, với những áp lực từ cuộc sống, giáo dục, từ những kỳ vọng và từ các mối quan hệ, tỷ lệ những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần đã trở nên đáng lo ngại trong nhiều năm qua. Có sự gia tăng về số trẻ em bị kỳ thị do sự khác biệt, cha mẹ cảm thấy áp lực quá lớn, và trẻ em bị cô lập do bị xâm hại, sao nhãng và gặp khó khăn.

Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an và bất ổn ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, đại dịch đã dẫn đến tình trạng trẻ em tự làm hại mình và tự sát ngày càng tăng.

Bà Rana Flowers, đại diện UNICEF cho rằng, trong hai năm vừa qua, tác động của đại dịch Covid-19 được thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực của Công ước về Quyền trẻ em, cho thấy sự thụt lùi trong việc đạt được tất cả các quyền trẻ em, ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau.

Đại dịch cũng nêu bật sự bất ổn ở thế giới bên ngoài có thể ảnh hưởng đến thế giới bên trong chúng ta. Rõ ràng rằng sức khỏe tốt - không chỉ là sức khỏe thể chất - mà còn là sức khỏe tâm thần. Trẻ em không được gặp gỡ và tiếp xúc với bạn bè, bị mất đi những thói quen hàng ngày và phải đối mặt với sự sợ hãi và nỗi đau buồn, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà mong muốn các Bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức cần quan tâm hơn và có hành động cụ thể để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ em và người chăm sóc trẻ vượt qua đại dịch Covid-19 với các giải pháp thiết thực và bền vững.

Trong đó, cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ nhằm sớm phát hiện, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em; triển khai các can thiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực về cả y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hà cũng yêu cầu các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án khắc phục các tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em, đặc biệt chú trọng chương trình hỗ trợ tổng thể, toàn diện, đa ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Ngày Trẻ em Thế giới được tổ chức trên toàn cầu vào ngày 20/11 hàng năm nhằm đánh dấu việc thông qua Công ước Quyền trẻ em, là hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử.

Trong suốt nhiều năm qua, Ngày Trẻ em Thế giới là một ngày vui và mang đến các thông điệp nghiêm túc, là thời điểm UNICEF đề cập đến những vấn đề cấp bách nhất của trẻ em, tôn vinh những tiến bộ, tăng cường sự quyết tâm cho các nhà lãnh đạo và tiếp tục giải quyết những việc cần thiết. Đây cũng là thời điểm trẻ em trên toàn thế giới đoàn kết và cất lên tiếng nói của mình.