Di tích chung mà “sở hữu tư nhân”

ANTĐ - Cười tươi khi “lễ đen” hậu hĩnh, nhíu mày trước đĩa hoa quả bánh trái nghèo nàn. Buồn thay!

Những tranh cướp nhau từng centimet ban thờ để đặt lễ, những quần cộc áo cũn cỡn vào cửa Thiền, việc đốt vàng tro bụi bay mù mịt… tất cả những liệt kê đó, ngày xưa, ở di tích là chuyện phạm thượng thì nay hóa thành điều dễ thông cảm. Đơn giản là tội lỗi “hồn nhiên”. Nhưng cái đáng sợ nhất là sự sở hữu di tích của những người vốn chỉ được giao quyền trông nom di sản. 

Hôm rồi, tôi có đến một ngôi chùa cổ nổi tiếng. Quý giá từ những mảng chạm hình rồng trên đầu đao gác mái cho tới cả những viên gạch lát với hình linh thú. Vừa bước vào cổng chùa đã thấy một bà quần thâm áo thâm, ước chừng ngoài 60 tuổi, bỏm bẻm nhai trầu, hất hàm hỏi: “Đi đâu?”. Ngoan ngoãn dạ thưa: “Cháu vào lễ Phật”. Bà gật đầu: “Lễ thì được, vào đi!”. Nói đoạn bà quay sang mấy người đàn ông trung trung tuổi xoe xóe: “Tôi đã nói với các anh rồi, Bộ nào thì Bộ, người Nhà nước thì cứ phải làm theo kiểu Nhà nước. Chùa giờ của Nhà nước rồi chứ có phải chuyện chơi đâu. Các anh cứ lên UBND xã xin giấy giới thiệu xuống đây rồi tôi mở cửa cho mà vào, đo đạc gì thì đo”.

Hóa ra là mấy cán bộ của Viện Kiến trúc, đang định đo đạc nghiên cứu gì đó. Thấy thái độ quyết liệt “bảo tồn di sản” của bà (tôi đoán là bà vãi được cử trông nom chùa) thì lừng khừng một lúc rồi cũng phải đi. Đoạn bà quay sang chúng tôi lạnh tanh: “Nào vào lễ nào”. Từ cổng vào tới chùa trong, bà luôn miệng kêu ca rằng già, rằng ốm, đào đâu lắm người vào chùa thế, lễ lớn thì còn đỡ... 

Để bắt quen tôi hỏi chuyện bà, hỏi sư thầy đi đâu mà không thấy ở chùa. Bà quắc mắt nhìn tôi hỏi lại: “Làm ở đâu, sao người gì mà không biết là một năm sư thầy phải đi học 3 tháng, có tôi trông chùa đây rồi”.

Tôi chọn cách im lặng, ngoan ngoãn đi theo bà. Bà mở cửa sau, mạnh tay rút cái then sắt đến xoạt một cái, nghe lạnh người, rồi: “Tháo giầy ra, vào lễ đi”. Vào chùa, bà lặng lẽ đi sau chúng tôi, chỉ cách đặt lễ, lễ đâu trước phải theo tay chỉ của bà. Định bỏ chút tiền gọi là giọt dầu vào hòm công đức bà liền nói rất to: “Này, đặt lễ trên ban ấy. Nhét vào đấy làm gì. Cứ đặt lên ban ấy”. Đến đây thì tôi mới hiểu câu chuyện. Lặng lẽ đặt lễ lên ban rồi nhanh chóng bước ra khỏi chùa. 

Lại có lần, tòa soạn giao viết bài về một ngôi chùa thờ Nghĩa quân Tây Sơn ở Hà Nội. Chùa có tam quan rất to, quay mặt ra phố lớn. Tam quan chùa bao giờ cũng im ỉm đóng, trừ ngày Rằm, mùng Một. Thấy tôi còn loay hoay ngó nghiêng tìm cách liên hệ với người trong chùa thì có một cụ già chống gậy tập tễnh bước qua. Cụ bảo, có chuông đấy, rồi chỉ chỗ cho tôi bấm. Bấm đến 3 lần chuông, mới có người ra mở cửa. Cửa mở chỉ đủ một khoảng để bà cụ ngó đầu ra, hỏi “Đi đâu?”. “Bà cho cháu vào gặp sư thầy ạ!”. “Thầy đi vắng rồi!”. Tôi trình bày là phóng viên, muốn vào di tích để viết về việc này, việc kia, chuẩn bị cho một lễ kỷ niệm… Bà vãi ngắt lời: “Chờ sư thầy về”. “Bao giờ sư thầy về ạ?”. “Tôi không biết”. “Vậy cháu vào lễ Phật có được không ạ?”. “Hôm nay không phải Rằm, mùng Một”. “Cháu tưởng cổng chùa luôn rộng mở chứ bà?”. “Rộng thì rộng cũng phải chờ Rằm, mùng Một” - bà khó chịu đáp rồi đóng sầm cửa lại. Bàng hoàng quay ra lại gặp ông cụ khi nãy. Ông nhìn tôi cười cười bảo: “Không vào được chứ gì, biết ngay mà!”.

Đã nhiều lần, chuyện di tích chung mà “sở hữu tư nhân” được đưa ra bàn thảo ở nhiều kỳ cuộc. Nhiều người bảo việc này khó, nhạy cảm, rồi cự cãi rằng không im ỉm đóng thì kẻ gian nhòm ngó trộm cắp đồ thờ. “Cẩn tắc vô ưu” đóng vào cho chắc. Thế là cái chuyện cửa di tích im ỉm đóng đề phòng kẻ gian hóa ra lại thành ngăn cả người ngay, những người lòng thành, hướng thiện. Có những quãng sống ngột ngạt bởi bon chen, sấp ngửa mưu sinh, tìm đến chốn thanh bình không vướng bụi để thả bước, để hít cho mình cái không khí thanh sạch thơm tho, để hướng con người ta đến “Từ Bi Hỷ Xả” như lời Phật dạy thì bỗng… xoe xóe cự cãi, so đo đồng nhỏ đồng to. Cười tươi khi “lễ đen” hậu hĩnh, nhíu mày trước đĩa hoa quả bánh trái nghèo nàn. 

Cái sân chùa ấy, tôi vẫn nhớ, bên trái có một hồ sen. Hương thơm tràn cả vào sân chùa. Bên trái có cây hoàng lan hoa mùa này ngan ngát. Hương hoa nhẹ nhõm thanh tịnh vậy mà lần đầu tiên trong đời tôi thấy váng vất, muốn bước thật nhanh. Vừa bước vừa niệm Phật từ bi hỷ xả cho cõi người trần đầy tham, sân, si.