Di dời, giải tỏa các cây xăng không đủ điều kiện an toàn: Bao giờ và đi đâu?

ANTĐ - Gây“nóng” dư luận những ngày gần đây là bản danh sách những cây xăng trong nội đô sẽ phải di dời, giải tỏa do không đủ điều kiện an toàn; và thời hạn triển khai là trung tuần tháng 9 này. Tuy nhiên qua thực tế tìm hiểu của PV Báo ANTĐ, có thể thấy, việc “đi” của nhiều cây xăng không hề đơn giản.

Cửa hàng xăng dầu số 4 luôn đông khách  (Chụp sáng 15-9)

Cây xăng có trước, quán xá “mọc” sau

Sáng 15-9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng xác nhận điều này khi trao đổi với chúng tôi về cửa hàng xăng số 4, thuộc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Hà Nội, ở địa chỉ số 9 phố Trần Hưng Đạo. Đây là cây xăng có tên trong danh sách phải di dời, giải tỏa, mà một trong nhiều nguyên nhân, có lẽ do… nằm gần cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, từng xảy ra hỏa hoạn cách đây mấy tháng.

Trông bối cảnh hiện nay thì cửa hàng xăng dầu số 4 cũng đủ “tiêu chuẩn” gây lo ngại. Ngay sát nó là 1 quán bia, bao xung quanh là mấy hàng nước. Mà đã là khách uống bia, uống nước, chuyện hút thuốc, gạt tàn làm sao tránh khỏi. Đó là chưa kể trên “nóc” quán bia có cả khu tập thể cao tầng. Ông Vũ Anh Tuấn nhìn nhận, qua khảo sát ý kiến người dân về việc nên quyết đi hay ở đối với cửa hàng xăng dầu số 4, tỷ lệ là 50-50. Đa số các hộ dân ở gần cây xăng, ở khu tập thể ủng hộ phương án di dời. Nhưng những khách hàng thường xuyên của cây xăng này lại “bỏ phiếu” cho phương án nên tồn tại. Vì sao vậy?

Ở địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, so với những cây xăng khác, cửa hàng xăng dầu số 4 được đánh giá quy mô về số lượng xăng (trong bể chứa) và thời gian phục vụ 24/24h. Sau vụ hỏa hoạn ở cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, thời điểm nhập xăng vào bể chứa của các cây xăng trong nội đô được điều chỉnh, sớm nhất cũng phải sau 21h. “Những ngày này, đến cửa hàng xăng dầu số 4 vào giờ hết xăng trong bể chứa (từ 19-21h), mới thấy nhu cầu của người dân như thế nào. Cây xăng Trần Hưng Đạo hết hàng, chạy quá xuống cây xăng Lương Yên cũng căng dây tạm dừng đón khách phục vụ. Việc mua xăng là cả một vấn đề”, anh Nguyễn Văn Tuấn, đội viên tự quản dân phòng phường Phạm Đình Hổ cho biết. Được biết, riêng lượng khách quen của cửa hàng xăng dầu số 4, các cơ quan Nhà nước, cũng lên đến hàng trăm.

Cửa hàng xăng dầu số 4 chỉ là một ví dụ nhỏ trong tình cảnh – thực trạng của những cây xăng thuộc diện di dời. 20 năm trước khi đưa vào hoạt động, nó đã được cấp phép, được đảm bảo độ an toàn. Ở đâu cũng vậy, để tồn tại cây xăng trong nội đô là điều bất đắc dĩ. Nhưng với Hà Nội, điều bất đắc dĩ ấy thời điểm này chúng ta đang buộc phải chấp nhận. Cũng như sự chấp nhận – cấp phép kinh doanh của cơ quan quản lý đối với quán bia ngay gần cửa hàng xăng dầu số 4; sự bỏ bẵng của chính quyền cơ sở đối với mấy quán nước chè bao quanh cây xăng. Bao nhiêu năm qua, quy định về giới hạn phạm vi an toàn đối với các cây xăng đã có, nhưng không được tôn trọng, thực thi. Để khi xảy ra sự cố, các cây xăng lập tức bị “đẩy” vào tình thế nguy hiểm!

...và bị quán nước bao vây!

Cần tính toán lộ trình thích hợp!

Di dời, giải tỏa những cây xăng mất an toàn, nhất là về nguy cơ cháy nổ, thực ra không phải vấn đề mới. Nhiều năm trước, Hà Nội từng có kế hoạch – quy hoạch cây xăng, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Với 10 quận nội thành, việc tìm được vị trí “xa khu dân cư” để đảm bảo an toàn cháy, nổ là điều rất khó.

Theo ông Trần Đắc Xuân, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 1, đơn vị chủ quản của 12 cửa hàng xăng dầu có tên trong danh sách di dời, chia sẻ nếu cùng lúc di dời 12 cây xăng ở nội thành sẽ gây nhiều xáo trộn. Đơn cử như cửa hàng xăng dầu số 9 Trần Hưng Đạo, hiện mỗi tháng bán ra thị trường 1.400m3, nếu di dời ngay sẽ quá tải ở những cây xăng còn lại, rồi nguy cơ mọc lên hàng loạt điểm bán xăng tự phát trên phố. Đó là chưa kể đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi giải bài toán đầu tư, kinh doanh, công ăn việc làm cho người lao động…

Theo khảo sát của Sở Công Thương và các cơ quan chức năng, khu vực trung tâm thành phố chiếm 70% nhu cầu về xăng dầu. Trong khi đó, các cửa hàng xăng dầu lại được phân bố không đồng đều. Đáng chú ý, trong số khoảng 500 cây xăng ở Hà Nội, đa phần đều vi phạm về khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, để di dời cây xăng không đạt chuẩn ra khỏi nội thành cũng không hề đơn giản. Lãnh đạo Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội cho biết, cơ quan này đã nhiều lần phối hợp với các sở, ngành để kiểm tra và báo cáo thành phố việc di chuyển cây xăng có khoảng cách không an toàn ra khỏi thành phố. Tuy nhiên có không ít trở ngại; vì các cây xăng đó tuy vi phạm về công tác PC&CC, nhưng lại không thể thiếu đối với các lĩnh vực đời sống dân sinh. Vì vậy, điều quan trọng là cần phải nghiên cứu để di dời và tổ chức lại quy hoạch.

Ngày 14-9, 1 ngày trước “giờ G”, tìm đến 1 cây xăng có tên trong danh sách phải di dời, giải tỏa, đại diện cây xăng này cho biết, cũng mới chỉ nghe chủ trương trên qua báo chí và thông tin nội bộ cơ quan. Nhưng đi đâu và bao giờ đi thì nhân viên cây xăng chưa biết. Lạ một điều, biên bản kiểm tra cây xăng này do liên ngành Sở Công Thương, Sở Cảnh sát PC&CC lập ngày 10-9, vẫn ghi rõ 1 ý: “Đoàn kiểm tra đề xuất cửa hàng tiếp tục được tồn tại và có giải pháp an toàn PCCC”…