Dẹp loạn băng rôn quảng cáo

ANTĐ - Số tiền phạt cho việc treo băng - rôn quảng cáo quá quy định thường chỉ dừng ở mức 10 triệu, cao nhất là 30 triệu đồng. Nhưng rồi vòng quay tiếp tục được vận hành theo “công thức”: Thanh tra phát hiện cho cắt băng rôn, gọi đến xử phạt, nộp phạt xong, hôm sau lại ngang nhiên... treo tiếp. 
Băng rôn vi phạm được Thanh tra Sở VH-TT&DL chụp được trên các tuyến phố

Sở VH-TT&DL Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý hoạt động treo băng rôn, phướn và quảng cáo rao vặt trên địa bàn thành phố. Đây được xem như động thái lập lại trật tự về quảng cáo, đặc biệt là các hoạt động núp bóng “tuyên truyền”,  “xã hội hóa” bấy lâu nay.

Phạt cũng… bất chấp

Sau Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, với sự kiên quyết và xử lý mạnh tay, nạn “khoan cắt bê tông” ở Hà Nội gần như được dẹp triệt để. Nhưng giờ, nhiều biến tướng mới của nạn quảng cáo rao vặt nảy sinh, “quy mô” hơn và người vi phạm cũng đầu tư chiều sâu  hơn trước. Thôi thì đủ kiểu từ tờ rơi dúi vội vào tay người tham gia giao thông mỗi khi dừng đèn đỏ, gửi tin nhắn mời chào mua vé, đến bắc loa công suất lớn vào ô tô, xe máy, diễu khắp hang cùng ngõ hẻm oang oang mời mua vé xem nghệ thuật. Băng rôn, phướn… chữ to chữ nhỏ, xanh xanh đỏ đỏ cũng thừa cơ treo từ gốc cây đến cột điện, treo cả vào đèn tín hiệu giao thông.

Theo quy định, mỗi chương trình nghệ thuật được phép treo 20 băng-rôn và 60 chiếc phướn, tuy nhiên, để bán được vé các đơn vị tổ chức thường treo quá số lượng, có khi lên tới cả nghìn. Lần nào “được” Thanh tra gọi lên nộp phạt các công ty tổ chức nghệ thuật đều nghiêm chỉnh chấp hành, gãi đầu gãi tai trình bày hoàn cảnh, nào là “em trót”, “em nhỡ”, “cho em nộp phạt”, bởi số tiền phạt cho việc treo băng-rôn quảng cáo quá quy định thường dừng ở mức 10 triệu, cao nhất là 30 triệu đồng. Nhưng rồi vòng quay tiếp tục được vận hành như công thức: Thanh tra phát hiện cho cắt băng rôn, gọi đến xử phạt, nộp phạt xong, hôm sau lại ngang nhiên… treo tiếp.

Ông Lê Sơn Hà - Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL cho biết, mức phạt 10 triệu đồng không đáng gì so với số tiền bán vé của một đêm biểu diễn nghệ thuật. Chỉ cần 2 cặp vé mệnh giá 2,5 triệu đồng là đơn vị đó đủ tiền nộp phạt. Có doanh nghiệp như trêu ngươi, phạt xong đã mang phướn đến ngay trước cửa Thanh tra Sở trên phố Trịnh Hoài Đức mà treo.

Thanh tra kiêm nghề cắt băng- rôn

Lực lượng Thanh tra văn hóa của Sở VH-TT&DL Hà Nội có 9 người, những ngày cao điểm thì ngoài thanh tra viên phải trực tiếp đi cắt băng rôn, phướn sai phạm trên các phố thì ngay cả Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra cũng không ngoại lệ. Có nghĩa, cũng phải học và thực hành việc cắt băng rôn cho đúng cách để không gây nguy hiểm cho chính bản thân người cắt, cũng như các phương tiện tham gia giao thông. Ông Lê Sơn Hà - Phó Chánh Thanh tra kể, khó khăn và nguy hiểm nhất là cắt băng rôn, phướn treo trên dải phân cách tại các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn và đi với tốc độ cao như đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng, Giải Phóng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường 5… Nếu không cắt khéo, hay chỉ một thao tác sai, các dải băng-rôn kia có thể đập vào các phương tiện đi ngược chiều, hoặc thanh tra viên mà đứng lớ ngớ trên dải phân cách cũng có thể bị hút vào các phương tiện đi với tốc độ cao. 

Không chỉ đối  phó với băng rôn, phướn treo vô tội vạ, các đơn vị tổ chức nghệ thuật còn nghĩ ra nhiều kiểu tận dụng, từ nhắn tin qua điện thoại. Ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội kể, ông thường xuyên nhận được tin nhắn mời mua vé xem ca nhạc, trong khi hồ sơ xin cấp phép biểu diễn vẫn nằm trên bàn làm việc của ông, chưa được thẩm định. Ông liền nhắn lại vào số điện thoại kia, rằng tôi đã ký đâu mà chương trình biểu diễn và bán vé. Kinh dị nhất là kiểu buộc loa vào ô tô, xe máy, rồi cho chạy khắp phố phường. Ban đầu, kiểu quảng cáo di động này cũng khó bắt, vì rình đằng trước, chạy đằng sau, rình đường to, chuyển sang đi đường nhỏ. Sau dần Thanh tra có kinh nghiệm “mật phục”, khoanh vùng, quay clip, chụp ảnh, rồi mới ập vào xử lý. Ông Lê Sơn Hà cho biết, 10 lần rình thì cũng bắt và xử lý được đến 7 vụ…

Nghe các Thanh tra viên của Sở VH-TT&DL kể chuyện thì xem ra,  Thanh tra văn hóa kiêm việc xử lý sai phạm quảng cáo cũng là nghề nguy hiểm. Trong một lần cắt phướn treo trái phép chương trình ca nhạc của ca sĩ hải ngoại Chế Linh trên trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông, ông Lê Sơn Hà bị ngã gãy chân, bó bột nằm nhà mấy mấy tháng trời. Lần khác, có thanh tra viên, vừa đặt thang nhôm vào cột điện để trèo lên cắt bỏ đống dây thép buộc nhằng nhịt trên đó thì bị điện giật suýt chết. 

Xã hội hóa cũng… đau đầu

Đi dọc các phố ở Hà Nội mà đếm, có lẽ ngang ngửa với băng rôn, phướn quảng cáo nghệ thuật phải kể đến các kiểu quảng cáo theo hình thức xã hội hóa. Tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế- xã hội bên trên, bên dưới các nhà tài trợ không quên đưa hình ảnh của mình, logo cùng slogan dễ nhớ. Không chỉ ký hợp đồng với các bộ ngành, các doanh nghiệp còn tìm đến làm hợp đồng với một số UBND phường để quảng cáo trên địa bàn phường đó. Thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội từng phải cắt đến cả trăm băng rôn của một doanh nghiệp nọ, doanh nghiệp thắc mắc rằng tôi đã có hợp đồng với phường, tôi có quyền. Chỉ đến khi Thanh tra đưa ra các quy định về quảng cáo mới vỡ ra, phường không có quyền bán cột điện để treo quảng cáo.

Để đưa hoạt động quảng cáo vào khuôn khổ, mới đây Sở VH-TT&DL Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý hoạt động này. Theo đó, động thái tích cực nhất phải kể đến là tạm dừng việc tuyên truyền bằng bằng rôn treo ngang đường. Hạn chế tối đa số lượng và tuyến đường treo phướn khi cho phép tuyên truyền theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời với việc hạn chế này, trong thời gian tới, Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ phối hợp với các quận huyện tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để các băng rôn, phướn tuyên truyền xã hội hóa không đúng thông báo và các kiểu quảng cáo hàng hóa, thương hiệu, ca nhạc, khai trương, kỷ niệm… trên các tuyến phố điểm. Đây được coi là biện pháp trước mắt để dẹp “nạn” loạn băng-rôn.