Chen lấn dự lễ hội đền Trần
Nhiều người dân đến xin lộc đã phải ra về tay không, hoặc phải mua lại với giá cắt cổ. Trước thông tin này, PV Báo An ninh Thủ đô đã liên hệ với bà Cao Thị Tính - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, bà Tính khẳng định, không có chuyện hết ấn ở đền Trần, có điều các thủ từ ở đền Trần tiến hành phát ấn theo giờ, không thể phát 24/24h. Việc phát cũng phải theo lượng đã đăng ký.
Trả lời câu hỏi của PV ANTĐ có phải đền Trần phát hết ấn thì thôi, chứ không phải phát đến hết tháng Giêng? Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định cho biết thêm: “BTC chỉ đạo, phát trong tháng Giêng. Nhưng BTC làm sao biết được dân về bao nhiêu để đóng đủ ấn. Nếu cả nước có 80 triệu dân, nhà đền làm sao đóng được 80 triệu lá ấn”. Khẳng định không hết ấn, song bà Cao Thị Tính cũng “nước đôi”: “ Tổ từ đền chỉ có 30 người, chia ra làm, sức có hạn, việc phát ấn là việc tâm linh, có phải làm bừa, làm ẩu ra là được đâu. Ai không có năm sau rút kinh nghiệm đi sớm. Như cân thịt thời bao cấp, phải xếp hàng, hết thì đành chịu. Nhà nước có can thiệp việc ấy đâu, đây là việc tâm linh của nhà đền, Nhà nước chỉ đảm bảo an ninh sao cho lễ hội diễn ra trong trật tự”.
Ấn đền Trần chậm chân là hết?
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của bà Cao Thị Tính, PV ANTĐ tiếp tục liên hệ với ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTT&DL Nam Định. Ông Xuân cho biết hiện ông đang đi công tác nên chưa rõ thực hư về việc này. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp hết ấn là có thật, bởi thời gian chuẩn bị gấp rút, trong khi đó lượng ấn vải đã chuẩn bị không thể sử dụng, do quy định đổi chất liệu ấn vải sang ấn giấy. Theo truyền thống, chỉ lấy ấn ra đóng vào một lần, trong một giờ nhất định. Trong một năm tuyệt đối không có chuyện lấy ấn 2 lần.
Trước mùa hội, UBND TP Nam Định đã tổ chức họp báo và công bố, việc phát ấn sẽ được thực hiện hết tháng Giêng. Ai đi lễ đền Trần đều có thể nhận lộc ấn.