Đến khám lại sau khi mổ nội soi, bệnh nhân bỗng chết lâm sàng

ANTĐ - Theo lịch hẹn của bác sĩ, bệnh nhân Trần Thị Tưởng, quê Từ Sơn, Bắc Ninh đến Bệnh viện đa khoa Hà Nội khám lại sau khi mổ nội soi thanh quản tại đây. Nhưng đã hơn 10 ngày trôi qua, bệnh nhân vẫn trong tình trạng chết lâm sàng…

Cuối tháng 10, bà Tưởng đến BV đa khoa Hà Nội để mổ nội soi thanh quản. Ca mổ kết thúc thành công, bệnh nhân ra viện trong tình trạng sức khoẻ tốt và được hẹn 10 ngày sau đến khám lại. Ngày 8-11, bà Tưởng đến khám lại theo lịch hẹn. Sau khi thăm khám, bác sỹ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước cần tiến hành tiểu phẫu ngay. Theo lời bác sĩ thì thời gian phẫu thuật rất nhanh và không quá phức tạp. Tuy nhiên, chờ khá lâu mà không thấy bệnh nhân tỉnh lại nên đến 20h cùng ngày, người nhà bệnh nhân có nguyện vọng xin chuyển viện cho bà Tưởng. Tuy nhiên, đến đêm 8-11, lãnh đạo bệnh viện đa khoa Hà Nội mới quyết định chuyển bà Tưởng sang BV Việt Đức. Theo ông Trần Văn Thảo- chồng bà Tưởng thì khi đưa sang BV Việt Đức, các bác sỹ chẩn đoán tim bà Tưởng đã ngừng đập sau khi mổ, trạng thái chết lâm sàng. Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, hiện bà Tưởng vẫn đang trong tình trạng hôn mê.

Ảnh bệnh nhân Trần Thị Tưởng được gia đình dán ở cổng bệnh viện đa khoa Hà Nội

Tại buổi làm việc với báo chí ngày 14-11, PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Hà Nội cho biết, bệnh nhân Trần Thị Tưởng đã đi khám nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán hạt xơ dây thanh, chỉ định phẫu thuật. Ngày 30-10, bệnh nhân Tưởng đã đến BV để làm phẫu thuật cắt hạt xơ dây thanh và được bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật xong, sức khoẻ bệnh nhân hoàn toàn bình thường nên đã được xuất viện và hẹn 10 ngày sau đến khám lại. Ngày 8-11, bệnh nhân Tưởng đến khám lại theo lịch hẹn. Tiến hành khám lại bằng máy nội soi, bác sĩ An phát hiện có nang nước ở dây thanh quản bên trái nên đã cho chuyển bệnh nhân lên phòng mổ để bấm nang nước và thực hiện gây tê tại chỗ.

Người nhà bệnh nhân trước cổng bệnh viện
Lãnh đạo BV trả lời trong cuộc họp báo
Dụng cụ phẫu thuật cho bệnh nhân Trần Thị Tưởng

Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ trong tình trạng tỉnh táo. Tuy nhiên, khi bác sĩ đặt dụng cụ càng soi treo banh miệng để kiểm tra dây thanh quản thì bệnh nhân ngừng thở. Ngay lúc đó, bệnh viện đã xử lý bằng cách hô hấp hỗ trợ, đặt nội khí quản dưới tác dụng của thuốc giãn cơ, ép tim ngoài lồng ngực, bệnh nhân tiếp tục thở máy. Sau khi tham khảo ý kiến của các bác sỹ đầu ngành về gây mê hồi sức, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Hà Nội đã quyết định chuyển bệnh nhân về BV Việt Đức tiếp tục điều trị.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, ngày 14-11, đại diện Bệnh viện đa khoa Hà Nội đã làm việc với gia đình bệnh nhân. Hai bên thống nhất, toàn bộ chi phí thuốc men của bệnh nhân từ khi vào BV đa khoa Hà Nội đến quá trình điều trị tại bệnh viện Việt Đức, BV đa khoa Hà Nội có trách nhiệm chi trả dựa trên hóa đơn chứng từ do gia đình cung cấp. Trong trường hợp bệnh nhân tử vong, gia đình sẽ làm đơn gửi các cơ quan chức năng để tiến hành thanh tra, kiểm tra và có kết luận cuối cùng.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định, phẫu thuật nội soi vi phẫu thuật thanh quản được thực hiện đối với bệnh nhân là phẫu thuật mà Bệnh viện được Bộ Y tế cho phép. Người thực hiện phẫu thuật là PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Lý do bệnh nhân chưa tỉnh là do co thắt thanh quản, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này thì chưa thể khẳng định được. Loại thuốc xịt cho bệnh nhân cũng đã được sử dụng trong lần mổ trước và bệnh nhân không có phản ứng bất thường nào. Loại thuốc này cũng không nằm trong danh mục thuốc phải thử do Bộ Y tế ban hành. Tuy vậy, đây là một sự việc vô cùng đáng tiếc, nên trong thời gian sớm nhất, BV Đa khoa Hà Nội sẽ họp để rút kinh nghiệm xem có sai sót ở khâu nào không.