Đề xuất mức trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với người lao động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đề xuất xây dựng bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện

Đề xuất xây dựng bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Theo cơ quan này, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay (tính đến hết quý I năm 2023 là 33 triệu người), góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đang có nhiều người lao động trong khu vực này bị tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do tai nạn lao động trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm là trên 2.000 người (gấp gần 2 lần khu vực người lao động có quan hệ lao động).

Việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là cần thiết, góp phần đồng bộ các chính sách trong bảo đảm an sinh xã hội.

Tại dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn tự nguyện với người lao động gồm: trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng.

Theo đó, mức hưởng trợ cấp một lần gồm: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 dự thảo Nghị định, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.

Thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động; Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;

Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động;

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động trên 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.

Trợ cấp hằng tháng với các trường hợp: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở...