Đề xuất mở cửa các điểm vui chơi tại Hà Nội sau 24 giờ

ANTD.VN - Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, được nhiều đại biểu hưởng ứng tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tổ chức tại thành phố Hội An, Quảng Nam ngày hôm qua 9-8. Đây được coi là Hội nghị “Diên Hồng” của ngành Du lịch. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chủ trì "hội nghị Diên hồng" này, cùng với hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Vũ Đức Đam, với sự hiện diện của đại diện nhiều Bộ, ban ngành.

Hội An, Đà Nẵng là những điển hình làm du lịch tốt

Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch lần đầu tiên được tổ chức tại Hội An, địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian thăm quan khu vực phố cổ Hội An, nơi có rất đông khách du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hội An là mô hình tiêu biểu trong quản lý, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào phát triển du lịch. Thủ tướng cũng nhận định, cộng đồng Quảng Nam - Đà Nẵng rất vui vẻ, thân thiện trong ứng xử với du khách, đó là điều quan trọng trong phát triển du lịch. Về xây dựng thương hiệu du lịch thì Đà Nẵng là một mô hình tốt để học hỏi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm phố cổ Hội An (Ảnh: Quang Hiếu)

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến khía cạnh cộng đồng làm du lịch, cho rằng: “Việc phát triển du lịch không chỉ là việc của Nhà nước hay doanh nghiệp mà là của cộng đồng”. Phó Thủ tướng cho biết, tinh thần “không cần com-lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm” cần phải được quán triệt đến từng Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.

Kinh phí 200-300 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển Du lịch

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra nhận định thẳng thắn: Có đến 70% du khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ. Đó là sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường. Phó Thủ tướng cho rằng, để du lịch Việt Nam không chỉ là tiềm năng, ngành Du lịch cần khắc phục 3 điểm cốt lõi còn thiếu, đó là thiếu khả năng, thiếu dịch vụ và thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng.

Liên quan đến xây dựng Quỹ hỗ trợ Phát triển Du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Du lịch khẩn trương trình đề án để Chính phủ xem xét, thành lập Quỹ ngay trong tháng 8 năm nay và đồng ý cấp kinh phí ban đầu khoảng 200-300 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước.

Sẽ sửa đổi các quy định nhập cảnh, tạo thuận lợi cho khách du lịch

Về việc tháo gỡ rào cản visa, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì khẩn trương triển khai Đề án cấp thị thực điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu, thực hiện từ ngày 1-1-2017. Cùng với đó, các Bộ ngành đề xuất áp dụng mức lệ phí thị thực nhập cảnh phù hợp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp sửa đổi các quy định về xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho khách du lịch, giảm tối đa thời gian cấp thị thực. Đây là những động thái rất kịp thời và tích cực từ phía Chính phủ nhằm tạo những điều kiện thông thoáng, cởi mở hơn về visa (thị thực) – vốn được coi là “tấm vé thông hành” cho mỗi du khách khi đặt chân đến một quốc gia.

Hà Nội sẽ có thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Liên quan đến cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra hai phương án nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu tham dự hội nghị. Đó là trong hai tháng tới Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh tại các điểm công cộng và du lịch. Thứ hai, đó đề xuất mở cửa các điểm vui chơi tại Hà Nội sau 24 giờ.

“Thành phố đang có quy định cấm các khu vui chơi hoạt động sau 24h. Trong khi nhiều du khách nước ngoài đánh giá việc vui chơi ban đêm đang là “đặc sản” riêng của Hà Nội. Bởi vậy, trong thời gian tới, chúng tôi đang rà soát để mở cho khách du lịch quốc tế có thể vui chơi sau khoảng thời gian này”. Những động thái cụ thể, mang tính "mở cửa" của Hà Nội được các đại biểu tham dự Hội nghị đồng loạt vỗ tay hưởng ứng.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ chế tạo sự thoải mái nhất cho du khách khi đến đây

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 3 yếu tố để làm du lịch thành công đó là thể chế chính sách, cộng đồng làm du lịch và xây dựng thương hiệu. Thủ tướng khẳng định: “Phát triển du lịch cần có quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng và nhân dân”. Chính phủ đang xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật mới về du lịch, đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.