Đề xuất hướng xử lý sai phạm ở chùa Hương

ANTĐ - Sáng 15-1-2016, dưới sự chủ trì của Sở VH-TT Hà Nội, thêm một cuộc họp nữa xoay quanh những vi phạm liên tục xảy ra trong thời gian gần đây tại di tích quốc gia chùa Hương, huyện Mỹ Đức được tổ chức. Lần này, các nhà quản lý, các chuyên gia bảo tồn tập trung đưa ra một hướng xử lý đối với sai phạm kể trên.

Đề xuất hướng xử lý sai phạm ở chùa Hương ảnh 1

Tháp 11 tầng, đầu rồng lai voi, hoa văn và lan can trụ tròn đều là sản phẩm sao chép
từ lăng tẩm, cung điện Trung Quốc

Sai có tính… “truyền thống”

Sau khi những sai phạm tại chùa Hương được phát hiện và đưa ra công luận, Sở VH-TT Hà Nội đã có nhiều cuộc kiểm tra, làm việc cùng UBND huyện Mỹ Đức, trong công văn gửi UBND thành phố và UBND huyện Mỹ Đức, Sở VH-TT có yêu cầu lãnh đạo huyện gửi hồ sơ thiết kế cũng như văn bản giải trình của cá nhân, tập thể, thời hạn nhận hồ sơ là ngày 25-12-2015. Thế nhưng phải nhắc đến lần thứ hai, ngày 11-1-2016, UBND huyện Mỹ Đức mới gửi hồ sơ thiết kế cùng một bản hợp đồng với Công ty Thi công cơ giới xây dựng từ năm 2011. Đáng chú ý, hồ sơ không có dấu đỏ của các cơ quan chức năng.

PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS) phát biểu trong cuộc họp rằng, chúng ta đã thật sự có lỗi khi để chùa Hương luôn bị xâm hại trong nhiều năm, từ công trình kiến trúc cho tới cảnh quan thiên nhiên. Điều đó cho thấy, Luật Di sản chưa thực sự đi vào đời sống của nhân dân và chưa được tôn trọng. Riêng tại chùa Thiên Trù, PGS.TS Phạm Mai Hùng chỉ ra 3 công trình sai phạm, lớn nhất thì có công trình xây dựng không phép ầm ĩ trong thời gian qua - Hương Nghiêm pháp đường, tiếp nữa đến việc xây dựng 2 tháp chuông trước thời điểm năm 2011 và gần đây nhất là tu bổ gác chuông sai nguyên tắc. Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam thẳng thắng: “Phải nói là thiếu tầm nhìn, bởi các con giống đắp ở Hương Nghiêm pháp đường giống hệt các con giống trên mộ vua thứ ba triều Minh - Trung Quốc Chu Đệ. Kiến trúc cũng giống hệt kiến trúc Trung Quốc”. 

PGS.TS Trần Lâm Biền lại cho rằng, không thể gọi công trình vi phạm theo cái tên nhà chùa tự đặt là “Hương Nghiêm pháp đường” được vì nó trái với nhiều quy định của nhà Phật và bản chất nó chỉ là sự khoe mẽ. Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến đưa ra ý kiến gọi là nhà khách. Ông Trần Lâm Biền tiếp: Việc 2 tháp chuông được xây dựng đối xứng ở ngay lối cổng vào Thiên Trù chính là tiền đề cho những sai phạm sau này…

Sửa sai thế nào?

Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam Phạm Mai Hùng kể, việc xử lý công trình được gọi là “Hương Nghiêm pháp đường” khiến ông phân vân. Bởi sẽ phải cải tạo thế nào cho thích nghi chứ đập bỏ đi thì… xót ruột. Theo ý kiến của PGS Phạm Mai Hùng, công trình này nếu có chỉnh sửa phải tập trung vào các hạng mục như: sơn lại màu khác, không thể để màu cũ, đối lập với cảnh quan thiên nhiên. Đập bỏ các tháp nhỏ với tính chất trang trí, việc này phải có các kiến trúc sư, am hiểu giáo lý nhà Phật tư vấn. Chỉnh sửa lại phần mái sao cho hài hòa với chùa Thiên Trù bên cạnh, bởi lẽ, nhìn nghiêng công trình này rất thô, nếu không chỉnh sửa được thì chỉ có thể hạ giải. 

Cũng đưa ra các giải pháp xử lý công trình vi phạm, tuy nhiên PGS.TS Trần  Lâm Biền lại tập trung phân tích kỹ và chỉ ra những lỗi cơ bản mà những người thiết kế công trình vốn mù mờ kiến thức và sự am hiểu tín ngưỡng, tôn giáo nhưng lại bày ra chi tiết để khoe mẽ. Toàn bộ đầu trụ, lan can, các chi tiết “nhái” lăng tẩm, cung điện của Trung Quốc đều phải đập bỏ, thay bằng các chi tiết chạm khắc thuần Việt như nụ sen, lá sen có gân… Phía trên mái bỏ hết các trang trí con giống như lân, si vì…Tàu quá. 

Cũng có mặt tại cuộc họp, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đưa ra đề xuất, vì công trình được gọi là “Hương Nghiêm pháp đường” nằm khuất phía vườn tháp nên sau khi chỉnh sửa cần trồng nhiều loại cây lâu niên để che bớt cho đỡ… phản cảm, đồng thời làm rõ sai phạm của từng cá nhân, tập thể, đưa ra hướng xử lý nghiêm, tránh tình trạng “nhờn” luật. Đại diện Sở Xây dựng, đại diện Thanh tra Sở VH-TT cũng như Thanh tra Bộ VH-TT&DL cùng thống nhất quan điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể và quy trình phân cấp quản lý, kỷ luật nghiêm, tránh tiền lệ xấu. Được biết, sau cuộc họp này, Sở VH-TT sẽ tổng hợp các đề xuất, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL xin ý kiến chỉ đạo.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: “Đặc sệt kiến trúc Trung Quốc”

“Vật liệu, kiến trúc, màu sắc làm cho công trình rất cứng, trong khi đó không gian cảnh quan chùa Hương lại mềm mại. Điều  này tác động đến khung cảnh thiên nhiên. Đây là yếu tố cần phải sửa, chưa nói đến yếu tố ngoại lai. Các trụ tròn với hoa văn cuốn mây là đặc sệt Trung Quốc. Toàn bộ công trình nằm trên khối trụ cũng là kiến trúc Trung Quốc. Trước mắt thay vật liệu lát sân, giảm bớt diện tích sân tối thiểu là một nửa để trồng cây. Thay đổi màu sơn, từ đỏ và vàng sang màu trung tính. Nếu được, bỏ toàn bộ sảnh phía trước”. 

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội: Chỉnh sửa sẽ xong trước Tết âm lịch

Vị trí xây dựng nhà khách (còn được gọi là Hương Nghiêm pháp đường) có thể chấp nhận được, nhưng công trình xây dựng lại không phép, quy mô, kiến trúc không phù hợp cảnh quan.Vì vậy cần có chỉnh sửa. Trước mắt, thống nhất đề xuất, trồng hàng cây ở sân phía trước, thu bớt diện tích sân. Trồng cây lưu niên cao lên. Tất cả các con giống, bờ nóc, bờ chải, đầu kìm phải bỏ. Hệ thống tháp 11 tầng cũng bỏ. Thiết kế lại lan can, họa tiết hoa văn thuần Việt. Mái sảnh trước theo góp ý cũng cần phải xử lý. Đề nghị của tôi đối với UBND huyện Mỹ Đức thực hiện một số hạng mục giai đoạn 1, đập bỏ các con giống, thay đổi màu sơn phải xong trước Tết âm lịch. Giai đoạn 2, chỉnh sửa lại phương án thiết kế. Toàn bộ chi tiết chỉnh sửa phải báo cáo Sở VH-TT, Bộ VH-TT&DL, khi nào có ý kiến đồng thuận mới làm.