Đề xuất giảm áp lực, giảm nỗi khổ cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH

ANTĐ - Đâu là phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học tốt nhất cho năm 2016 và lâu dài hơn vừa được đại diện các trường trong  Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam mổ xẻ để góp ý với Bộ GD-ĐT. Nhiều ý kiến đã được đề xuất theo chiều hướng giảm độ nóng thi cử và giảm "nỗi khổ" cho Bộ GD-ĐT.

Đề xuất giảm áp lực, giảm nỗi khổ cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH ảnh 1Không phải trường nào cũng sẵn sàng tự chủ trong tuyển sinh ĐH, CĐ.

Giao thi tốt nghiệp cho các Sở GD-ĐT?

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2015 được đánh giá là giảm áp lực cho thí sinh và xã hội khi rút lại chỉ còn một kỳ thi với 2 mục đích. Tuy nhiên, một kỳ thi kéo dài tới 4 ngày cùng sự tham gia của tất cả các tỉnh, thành phố chứng tỏ sức nóng hơn mức cần thiết của một kỳ thi. Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, việc kiểm tra, đánh giá như vậy vốn là việc nhỏ của ngành giáo dục nhưng vì sao vẫn chiếm toàn bộ công sức của hơn 1 triệu thí sinh cùng gia đình và các thầy cô? “Nguyên nhân chính là giao việc không đúng.

Bộ GD-ĐT ôm hết vào nhưng không làm được một mình. Hiện tại các Sở GD-ĐT đã lo được từ A đến Z việcđào tạo, tuyển sinh từ mầm non tới hết lớp 12. Các trường ĐH, CĐ cũng phải lo từ A đến Z đào tạo, cấp bằng cử nhân tới tiến sĩ. Vậy lý do gì Bộ GD-ĐT lại phải nắm phần tốt nghiệp phổ thông và tuyển đầu vào của ĐH. Cần tin rằng đã là trường ĐH đào tạo cử nhân, tiến sĩ thì sẽ biết tuyển sinh sao cho tốt. Còn nếu không tuyển sinh được thì dạy được ai..." - PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi về nguyên nhân Bộ ôm đồm công tác tổ chức thi và xét tuyển.

Đề xuất giảm "nỗi khổ" cho Bộ GD-ĐT, hàng loạt chuyên gia nhấn mạnh việc nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT thực hiện trên tinh thần tự chủ, nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho thí sinh, còn khâu tuyển sinh để các trường tự lên phương án thi hay xét tuyển. PGS Văn Như Cương cho rằng cần xét lại 2 kỳ thi nhưng với cách khác như giao cho Sở tổ chức thi tốt nghiệp một cách nhẹ nhàng, có thể làm như ĐHQG Hà Nội một bài thi tổng hợp nhiều môn. "Khối A thi toán do Bộ GD-ĐT ra chung một đề nhưng môn toán dành cho giáo viên Toán, cho cán bộ ngân hàng hay kỹ sư hoàn toàn khác nhau... Vậy sao lại làm cùng một đề khi mục đích đào tạo không giống nhau” - PGS Văn Như Cương lý giải việc cần giao cho các trường tự chủ tuyển sinh. 

Nhiều trường chưa sẵnsàng tự chủ tuyển sinh

Lý giải về việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh khẳng định: “Bộ rất muốn các trường tự lập tuyển sinh, năm 2015 Bộ đã giao rồi và không có bất kỳ khó khăn nào cho các trường”. Theo ông Mai Văn Trinh, Bộ không ép buộc các trường ĐH, CĐ phải căn cứ vào kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Bằng chứng là hơn 200 trường ĐH, CĐ trong năm 2015 vừa dựa vào kỳ thi vừa có phương án thi riêng, trong đó, nổi bật là ĐHQG Hà Nội tổ chức riêng kỳ kiểm tra đánh giá năng lực được Bộ GD-ĐT ủng hộ và đồng hành. 

Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng xét về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ cần tính đến vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Về phía thí sinh, cách tổ chức như năm 2015 đã thể hiện xu hướng tốt: tránh thủ tục không cần thiết, tốn kém, có thể thi ở cụm thi gần hơn. Ông Tùng đề xuất năm 2016 vẫn nên giải quyết hướng này cho thí sinh chỉ chú ý thêm về khoảng cách di chuyển của thí sinh càng ngắn càng tốt.

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Tùng cho rằng Bộ phải chịu trách nhiệm về chất lượng chung của hệ thống giáo dục nên cần thông cảm với việc Bộ GD-ĐT đặt ra điểm sàn nếu không các trường tuyển dưới sàn sẽ tạo hiệu ứng xã hội không cần thiết. Về phía các trường, ông Lê Trường Tùng cho rằng, trường nào cũng muốn tự chủ với mong muốn lớn nhất là tuyển đủ thí sinh với chất lượng càng cao càng tốt. Vấn đề tự chủ cũng đã được Bộ GD-ĐT mở ra rất nhiều: có thể sử dụng học bạ hoặc kết quả thi...  nhưng nhiều trường lại chưa sẵn sàng tự chủ tuyển sinh. 

Kiến nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ nhận trách nhiệm thành lập một nhóm các trường chưa đủ khả năng tuyển sinh tự chủ, ông Lê Trường Tùng đề nghị: “Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần tạo một sân chơi riêng. Bộ GD-ĐT không cần phải đứng ra thực hiện mà thay vào đó có thể là Hiệp hội các trường ĐH, CĐ đứng ra thực hiện với nhóm các trường có nhu cầu. Theo đó, thí sinh không cần hạn chế nguyện vọng đăng ký với Hiệp hội. Sau đó sẽ chạy phần mềm xét tuyển để sắp xếp kết quả trúng tuyển cho các trường trong nhóm.

Như vậy vừa tiết kiệm công sức các trường, vừa tạo điều kiện cho thí sinh”. Bên cạnh đó, ông Tùng cho rằng, Bộ GD-ĐT, trước khi thay đổi các chính sách liên quan đến thi cử cần tham khảo ý kiến các chuyên gia tâm lý xã hội chứ không chỉ có chuyên gia giáo dục vì đây là vấn đề đụng chạm tới hàng triệu người, sẽ tạo thành những hiệu ứng đám đông khó lường trước.