Đề xuất ghép Bộ Giao thông với Bộ Xây dựng, nhập Bộ KH-ĐT với Tài chính

ANTD.VN - Trong khi ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc sáp nhập một số tỉnh có quy mô dân số thấp và sáp nhập một số Bộ có chức năng tương đồng là hoàn toàn khả thi thì ĐBQH Bùi Văn Phương nhấn mạnh, việc nhập vào tách ra, tách ra nhập vào cần cân nhắc kỹ.  

ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ quan điểm về việc sáp nhập một số tỉnh, Bộ

Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 1-11, ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, qua thời gian đi giám sát ở các tỉnh cùng đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, ông nhận thấy đề xuất hợp nhất bộ ngành tương đồng, và sáp nhập một số tỉnh để giảm 3-4 bộ và hàng chục tỉnh là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Vân dẫn chứng cụ thể: Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia, hoàn toàn có thể sáp nhập làm một gọi là Bộ Kế hoạch - Tài chính hoặc thậm chí thu hút thêm một số chức năng của các bộ khác gọi là Bộ Kinh tế tổng hợp. Hay Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể sáp nhập với Bộ Xây dựng và gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.

ĐB Nguyễn Thanh Vân nhấn mạnh, một số Bộ có nhiệm vụ tương đồng thì cần sáp nhập lại. Ngược lại, có một số Bộ rất cần thiết như Bộ Biển đảo hay Bộ Du lịch thì hiện chưa có hoặc mới chỉ ở quy mô Tổng cục. Do đó, cần xem xét lại nhu cầu quản lý của xã hội, cái nào Nhà nước phải quản lý thì phân định.

Ngược lại, thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay, 1-11, ĐB Bùi Ngọc Phương (đoàn Ninh Bình) phân tích, liên quan tới tổ chức bộ máy hành chính, chúng ta từng nhiều lần sáp nhập rồi lại tách ra. “Nhập vào có lý của nhập vào, tách ra cũng có cái lý của tách ra, nhưng dường như sự nhập vào tách ra mang yếu tố chủ quan của những người được giao phụ trách nhiệm vụ này nhiều hơn là lắng nghe dư luận” – ĐB Phương nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 6 không hề đề cập đến việc sáp nhập các tỉnh

Theo ĐB đoàn Ninh Bình, ông hoàn toàn nhất trí với tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về điều chỉnh, sắp xếp bộ máy. Tuy nhiên vừa rồi có một số Đề án gợi ý về việc tổ chức bộ máy như hợp nhất hay chia tách một số cơ quan, địa phương chưa phù hợp, cần lắng nghe và tính toán kỹ.

“Đã có ý kiến nêu nên hợp nhất Văn phòng đoàn ĐBQH, văn phòng HĐND và văn phòng UBND tỉnh/ thành làm một nhưng tôi thấy nó chưa phù hợp. Lý do vì các cơ quan, văn phòng này làm chức năng tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu, mà giờ về chung 1 cơ quan, văn phòng tham mưu cho Uỷ ban triển khai, rồi tham mưu cho HĐND giám sát thì tính khách quan không có, lại không đảm bảo tinh thần của Hiến pháp là các cơ quan cần có sự phân công phối hợp nhưng kiểm soát lẫn nhau” – ĐB đoàn Ninh Bình phân tích.

Trong khi đó, trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao 2 chương trình hành động: Sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước và sắp xếp lại các đơn vị theo nghị quyết Trung ương 6.

Riêng về đề xuất sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi mỗi quy mô 1 tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được.

“Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.