Đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh 27 ngành nghề

ANTD.VN - Trong phiên họp ngày 9-11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch và biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.

Đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh 27 ngành nghề ảnh 1Ngành nghề kinh doanh mũ bảo hiểm có thể được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật

Cân nhắc bỏ điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm 

Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo đã bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước; Bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. 

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề.  Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).

Thẩm tra về Dự án luật trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị không  bỏ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ ngân hàng mô và dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì để thực hiện được các kỹ thuật này thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật về y tế và người sử dụng các dịch vụ này phải trả phí.  Đối với ngành, nghề  kinh doanh mũ bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc bãi bỏ điều kiện kinh doanh vì đây là hàng hóa có yêu cầu về chất lượng, có thể quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Còn với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ do nhu cầu làm đẹp của mỗi người nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người phẫu thuật thẩm mỹ; người đại điện theo pháp luật, chủ cơ sở kinh cần có những tiêu chí khắt khe về nhân thân nhằm phục vụ cho mục đích phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm liên quan đến nhận dạng một con người, nên đề nghị giữ điều kiện kinh doanh đối với ngành này.

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật này, đa số đại biểu  nhất trí với các kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đề xuất bỏ điều kiện kinh doanh 27 ngành nghề ảnh 2Điều kiện đối với nghề kinh doanh mũ bảo hiểm có thể được bãi bỏ

Quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi

Cũng trong  ngày 9-11, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Quy hoạch. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. 

Do vậy, Dự thảo Luật Quy hoạch được thiết kế theo hướng cấp độ quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết, từ đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa các quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng của quy hoạch.

Thẩm tra về Dự án Luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ với việc ban hành Luật Quy hoạch, sẽ có bao nhiêu loại quy hoạch trong luật chuyên ngành hết hiệu lực; bao nhiêu quy hoạch còn tồn tại nhưng việc lập, thẩm định, phê duyệt không thực hiện theo Luật chuyên ngành mà thực hiện theo Luật Quy hoạch; những quy hoạch nào ưu tiên thực hiện theo Luật chuyên ngành mà Luật Quy hoạch không điều chỉnh, phương án giải quyết những quy hoạch đã được xây dựng nhưng chưa được phê duyệt để tránh tạo ra những xung đột pháp luật, bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì các luật phải sửa đổi sau khi luật này ban hành để rà soát, làm rõ về chi tiết luận cứ, lý do sửa đổi, bãi bỏ các quy định về quy hoạch và các loại quy hoạch trình Quốc hội xem xét, nghiên cứu sửa đổi tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.