Để tránh ngộ độc thực phẩm đông lạnh trong thời gian giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người hạn chế đi chợ nên tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều loại thực phẩm trong thời gian dài có thể khiến thực phẩm nhanh bị hỏng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc.
Tích trữ thực phẩm vào tủ lạnh khiến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, dễ gây ngộ độc

Tích trữ thực phẩm vào tủ lạnh khiến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, dễ gây ngộ độc

Không rã đông thực phẩm nhiều lần

Không phải cứ cho vào tủ lạnh là thực phẩm không bị hỏng. Thịt, cá, rau, củ, thức ăn thừa để lẫn lộn. Thậm chí nhiều người còn để ngày này qua ngày khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc, tiêu chảy. Ngoài ra, việc rã đông thực phẩm nhiều lần là sai lầm mà nhiều bà nội trợ vẫn làm. Thịt sau khi rã đông thực phẩm sẽ dễ bị nhiễm vi khuẩn, nếu tiếp tục cho vào ngăn đông sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi, khi dùng rất dễ bị ngộ độc.

Cẩn thận khi mua thực phẩm đông lạnh

Xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn được bảo quản đông lạnh ngày càng phổ biến. Ngoài ra, các món ăn chế biến sẵn như nem cua, chả mực, chân giò muối, nem chua… đều rất tiện lợi bởi không mất thời gian chế biến. Tuy nhiên, những thực phẩm này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý, ngoài việc lựa chọn thực phẩm an toàn cần chế biến, bảo quản đúng cách. Nên mua các sản phẩm đông lạnh tại các cơ sở sản xuất có uy tín, được chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kiểm tra kỹ tình trạng thực phẩm, hạn sử dụng, bao bì không bị rách, thực phẩm không có màu sắc hoặc mùi vị bất thường…

Không sử dụng thực phẩm quá hạn

Thực phẩm có khuynh hướng gia tăng mùi vị khi đông lạnh, vì vậy muốn đông lạnh thức ăn để bảo quản trong thời gian lâu cần hạn chế việc tẩm ướp gia vị; tiêu, hành, tỏi cũng làm tăng nồng độ và trở nên có vị đắng khi được đông lạnh. Chỉ nên tẩm gia vị sau khi thực phẩm đã được rã đông và chuẩn bị nấu nướng. Những thực phẩm được cắt lát hoặc những thực phẩm có nhiều chất béo sẽ rất nhanh bị giảm chất lượng.

Những thực phẩm không nên bảo quản bằng đông lạnh là bắp cải, cần tây, sản phẩm trứng... Chất lượng dinh dưỡng và độ tươi ngon của thực phẩm đông lạnh phụ thuộc vào chất lượng thực phẩm trước khi cấp đông. Vì vậy cần chú ý khâu lựa chọn thực phẩm. Nếu thực phẩm có chất lượng tốt nhất và được đông lạnh đúng cách thì khi sử dụng vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị. Ngoài ra, nếu thời gian làm lạnh càng nhanh thì sẽ giúp giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng hơn trong thực phẩm.

Thông thường thời hạn bảo quản các loại thịt lợn, thịt bò, gà nên sử dụng trong vòng 3 - 12 tháng; Cá, hải sản từ 3 - 6 tháng; Các loại quả mọng nước khoảng 3 tháng; Các loại quả khác từ 9 - 12 tháng; Các loại rau 6 - 12 tháng… Để thực phẩm đông lạnh đảm bảo chất lượng tốt nhất, nên bảo quản và sử dụng trong một thời gian nhất định. Để tránh bị mất nước hay thay đổi màu sắc, mùi vị, với các loại thịt, cá, hải sản bạn nên bọc kỹ.

Cách bảo quản thực phẩm an toàn

Để đảm bảo an toàn, thực phẩm cần được sắp xếp theo từng loại vào từng ngăn bảo quản phù hợp. Thực phẩm cần dùng ngay thì nên để ngăn mát. Thực phẩm chưa dùng ngay hoặc cần dự trữ thì để ngăn đá hoặc tủ đông. Các loại thực phẩm sống và chín phải được bao bọc cẩn thận, để riêng ở các khu vực khác nhau để tránh lây nhiễm chéo.

Hầu hết thực phẩm đều có thể dự trữ bảo quản bằng cách đông lạnh. Tuy nhiên thực phẩm thường được trữ đông phổ biến nhất vẫn là thịt, cá, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn… Các loại thịt, cá tươi nếu không được chế biến và sử dụng ngay sẽ rất nhanh hỏng khi để ở điều kiện nhiệt độ thường. Vì vậy, nếu không có thời gian đi chợ hoặc có nhu cầu cần dự trữ thực phẩm bạn nên bảo quản bằng phương pháp đông lạnh. Với các loại rau củ quả được bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, vẫn có thể đông lạnh các loại rau củ quả mà vẫn giữ được hương vị và chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên bảo quản đông lạnh các loại rau có hàm lượng nước cao như cần tây, cải xoong, rau diếp, bắp cải, dưa chuột…