Để thành ngành mũi nhọn

ANTD.VN - Thời gian còn lại của năm 2016 không còn nhiều, liệu ngành du lịch Việt Nam có khởi sắc hơn không khi còn nhiều khó khăn, thách thức? Mục tiêu đạt ngưỡng 10 triệu khách quốc tế không khó, song chiến lược đưa ngành du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới thực sự là một thách thức không dễ vượt qua.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch, có thể nhận thấy tín hiệu đáng mừng với những con số khá ấn tượng. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng qua đạt hơn 8 triệu lượt, doanh thu ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch nội địa đạt tới 53,3 triệu lượt.

Kết quả này tham chiếu với chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 cho thấy, đột phá chưa đủ để tạo ra sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc và triệt để. Việt Nam là điểm đến thu hút du khách quốc tế với những ưu thế về cảnh quan, danh thắng, bãi biển, ẩm thực nổi bật hơn một số nước trong khu vực, nhưng vì sao lượng du khách nước ngoài tìm đến vẫn chỉ đạt con số lẻ của các nước láng giềng?

Đặc biệt là thời gian lưu trú, mua sắm, chi tiêu rất thấp, chưa kể tỷ lệ du khách quay trở lại lần thứ hai hầu như không nhúc nhích. Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo “mổ xẻ”, bắt bệnh và đưa ra “phác đồ điều trị” những căn bệnh... kinh niên của ngành du lịch. Đó là sự kém hấp dẫn, sản phẩm đơn điệu, nhàm chán, chất lượng dịch vụ, giá cả tour lên xuống thất thường.

Ngay cả những trung tâm, những điểm đến như Hà Nội, Hội An, TP.HCM... du khách phàn nàn chỉ đi lòng vòng 1-2 ngày là không biết đi dâu, chơi gì và mua gì. Để giữ chân du khách, không thể làm du lịch kiểu “ăn sẵn” đưa đi tham quan các điểm du lịch, khu di tích, đền chùa là hết.

Du lịch không phải là “cưỡi ngựa xem hoa”, nhu cầu khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm của du khách “kỹ tính” phải đặt lên hàng đầu. Du lịch làng nghề, du lịch nông thôn cùng nông dân trực tiếp sản xuất, du lịch “homestay”... mới là những sản phẩm độc đáo níu chân khách bốn phương.

Nếu họ muốn tìm một nơi để trải nghiệm tinh hoa văn hóa, nghệ thuật dân tộc độc đáo của một làng quê, vùng miền, tìm đâu ra? Chưa kể sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố để phát triển du lịch vừa lỏng lẻo, chồng chéo vừa nhàm chán.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh phải tập trung mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy phát triển khu vực du lịch, dịch vụ; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch, triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Để du lịch trở thành mũi nhọn, còn nhiều việc phải làm. Đương nhiên, trong một vài năm, một mình ngành du lịch không thể biến đổi từ “mũi tày” thành “mũi nhọn”.