Để người đã khuất không còn ngậm ngùi

ANTĐ - Dù chiến tranh đã lùi xa và nhiều chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường nhưng trong tâm khảm các đồng đội được trở về vẫn luôn khắc sâu hình ảnh và nỗi niềm day dứt khôn nguôi đối với những người bạn anh dũng ngã xuống nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ.

Để người đã khuất không còn ngậm ngùi  ảnh 1
Nỗi day dứt, thương nhớ khi nghĩ về đồng đội của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh


Thân nhân liệt sỹ Phong, liệt sỹ Lưu ở đâu?

Đó cũng là tâm trạng của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, nguyên Công an quận 6, Ty Công an Hà Nội khi nhớ về những người đồng đội cũ của mình. Bởi với ông, dù thân xác của các liệt sỹ có thể tan trong lòng đất Mẹ nhưng nỗi đau vẫn mãi mãi còn đó.

Với giọng kể đầy xúc động, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại: “Đồng chí Nguyễn Ngọc Phong (tức Lê Thăng) nguyên Phó trạm trưởng trạm Diên An (trạm giao liên giữa nội và ngoại thành Hà Nội, trực thuộc Phòng Điệp báo - Ty Công an Hà Nội hoạt động trong vùng địch chiếm đóng) có nhiệm vụ tổ chức đường dây liên lạc, chuyển tài liệu vào vùng tạm chiếm. Năm 1948, trong vụ vỡ cơ sở sau khi các ông Nguyễn Trọng Quang và Nguyễn Sỹ Vân treo cờ ở Tháp Rùa, ông Phong thoát được do giao liên kịp đón ra vùng tự do, sau đó về lại cơ quan điệp báo và được phân công lên phía Bắc Hà Nội. Sau đó, ông Phong ở lại nhà ông Đỗ Kim Các là tổ trưởng tổ giao thông trong vùng địch ở thôn Lộc, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm để phổ biến công tác. Sáng 16-7-1948, khi đang đi gặp gỡ một số anh em ở cơ sở, đồng chí Phong bị địch bắn chết.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, mộ đồng chí Phong được đội cải cách ruộng đất, chính quyền xã Xuân Đỉnh và vợ chồng ông Các - cơ sở kháng chiến cải táng đưa về qui tập tại khu C1, nghĩa trang Mai Dịch. “Đã nhiều năm nay, do chưa tìm được thân nhân gia đình nên đồng chí Phong vẫn chưa được công nhận liệt sỹ. Điều này khiến tôi vô cùng áy náy và day dứt vì chưa làm tròn trách nhiệm với đồng đội của mình. Trong trí nhớ của tôi mãi mãi còn nguyên vẹn hình ảnh một người thanh niên dong dỏng cao, nước da trắng trẻo, vốn là học sinh trường Chu Văn An, nhà ở phố Hàng Quạt”.

Đồng chí Nguyễn Văn Lưu (tức Lưu phệ), dù đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc hơn 60 năm nhưng vẫn chưa được công nhận liệt sỹ. Quốc khánh năm 1945, các cán bộ Điệp báo thuộc Ty Công an Hà Nội gồm các đồng chí Hoàng Hữu Chỉ (tức Chỉnh), Hoàng Quang Hiện (tức Tư), Phạm Văn Minh, Đỗ Bội Quỳnh và Nguyễn Văn Lưu được cấp trên triệu tập từ nội thành Hà Nội về vùng tự do để họp bàn công tác. 5 người đi bộ suốt đêm, đến 7h sáng mới về đến trụ sở cơ quan điệp báo Hà Nội, đóng ở thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Khi đến nơi, trong lúc đang nằm nghỉ, máy bay Pháp đến rải bom, trúng căn nhà 5 đồng chí đang ở nên cả 5 người đã hy sinh tại chỗ.

Sau đó, 5 đồng chí đã được cơ quan và chính quyền địa phương chôn cất, xây mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tảo Dương Văn. Hàng năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27-7, cán bộ chiến sỹ Phòng Tổ chức cán bộ - CATP Hà Nội đều đến thắp hương thăm viếng các phần mộ này. Ngoài 4 liệt sỹ Minh, Chỉ, Hiện, Quỳnh đã được công nhận thì hiện còn trường hợp Nguyễn Văn Lưu,  sinh khoảng năm 1926 do không ai biết gia đình, quê quán, thân nhân ở đâu nên vẫn chưa được công nhận liệt sỹ.

Chuyện về nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, đồng chí Lê Thị Nguyệt là cán bộ Công an quận 6, Ty Công an Hà Nội, quê ở làng Đìa (còn gọi là làng Bảo Tàng), xã Bình Hồ, huyện Ân Thi, Hưng Yên. Đồng chí Nguyệt là cô của chị Lê Thị Thái (Duyên), vợ nhạc sỹ Xuân Oanh. Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), chị Nguyệt lúc đó 24 tuổi tham gia  kháng chiến ở Hà Nội (trạm cứu thương Quỳnh Lôi). Đến giữa năm 1947 chị Nguyệt tham gia Công an quận 6. Được tổ chức phân công, chị xâm nhập nội thành Hà Nội và hoạt động điệp báo (lúc này Pháp đã chiếm được toàn thành phố Hà Nội, dựng lên bộ máy ngụy quyền tay sai). 

Ngày 20-4-1948, do bị tên Hùng đen (nguyên cán bộ CAQ 6 đầu hàng phản bội) chỉ điểm, chị Nguyệt đã bị Sở mật thám bắt. Dù bị bọn mật thám hết dụ dỗ ngon ngọt, tra tấn dã man, chị Nguyệt vẫn cắn răng không khai một lời. Do đòn thù tàn bạo của kẻ thù, đêm 25-4-1948, chị Nguyệt đã ra đi lặng lẽ trong Hỏa Lò.

Cảm phục sự dũng cảm của chị Nguyệt, trong Nội san Rèn luyện số Xuân 1949 - Tiền thân của Báo CAND đã đăng bài “Căm thù”, viết về nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt. Bài báo có đoạn: “Chiếc áo lụa bạch chẳng mấy lúc thấm màu máu. Lần nào cũng vậy, chị trở về buồng giam với thân hình đầy thương tích… Chị mỏng manh yếu đuối đứng trước 3 tên mật thám. “Cho nó nếm đòn nhảy dù” - bọn chúng nói và lột trần chị ra. Chúng khóa chân, trói tay chị rồi rút dây lên cao. Chúng quàng dây điện quanh người, gí điện vào những điểm nhạy cảm trên thân thể thanh xuân của chị… Chị càng gan lì, bọn mật thám càng điên tiết, chúng dùng mọi cực hình tra tấn”… Tuy chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng, nhưng đến nay, do chưa xác định được thân nhân nên nữ điệp báo viên kiên trung này vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.

 “Các đồng chí Nguyễn Ngọc Phong, Nguyễn Văn Lưu, Lê Thị Nguyệt hy sinh đã hơn nửa thế kỷ. Điều đáng nói là cùng với thời gian, những nhân chứng liên quan đến các sự kiện này ngày một gần đất xa trời. Tôi chỉ lo đến khi tìm được thân nhân  các đồng chí này thì cũng không còn ai có thể đứng ra chứng nhận”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh ngậm ngùi. 

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, để ghi nhận sự hy sinh anh dũng và đảm bảo quyền lợi cho những đồng chí đã anh dũng ngã xuống, nguyện vọng của Ban Liên lạc cán bộ CAHN thời kỳ kháng chiến chống Pháp mong các cơ quan chức năng vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật xét công nhận liệt sỹ cho 3 đồng chí trên hoặc đặc cách cho phép CATP Hà Nội được đại diện cho thân nhân, gia đình làm thủ tục để xin giải quyết chính sách liệt sỹ cho các đồng chí này.

Ngày 29-5 vừa qua, Cục Người có công - Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội  đã có Công văn số 441 với nội dung: “Trường hợp đề nghị liệt sĩ đối với ông Nguyễn Ngọc Phong - nguyên Phó trạm trưởng Trạm Diên An và ông Nguyễn Văn Lưu - là cán bộ điệp báo Ty Công an Hà Nội thuộc thẩm quyền của Bộ Công an. Cục Chính sách căn cứ quy định hiện hành để xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ đối với các ông Phong, Lưu và báo cáo Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công”. Sau đó, ngày 18-6, Cục Chính sách - Tổng cục XDLL CAND cũng đã có Văn bản số 4597/X33-P3 đề nghị Công an thành phố Hà Nội nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với đồng chí Nguyễn Ngọc Phong và đồng chí Nguyễn Văn Lưu theo quy định”.