- Rà soát, đánh giá một cách triệt để, toàn diện dự án "đắp chiếu"
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Không dùng tiền thuế của dân để xử lý 5 dự án thua lỗ"
- Thanh tra việc bảo vệ môi trường tại Công ty DAP Đình Vũ - Vinachem
Về dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển ngành xơ sợi, nhằm giảm lượng ngoại tệ cần thiết dùng để nhập xơ sợi, tạo công ăn việc làm cho những lao động có trình độ, tạo nguồn cung cấp xơ sợi lâu dài và ổn định cho ngành dệt may, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà sản xuất liên quan trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN và Tập đoàn Dệt may - Vinatex đã thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ có quy mô đầu tư lớn với giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra là 363.528.263,03 USD.
Sau một thời gian xây dựng, Nhà máy đã hoàn thành đi vào vận hành song sản xuất và kinh doanh, dự án chưa có hiệu quả kinh tế, lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án, PVTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thực hiện dự án, các đơn vị đã không thực hiện hết trách nhiệm được giao, để dự án có hiệu quả yếu kém. Cụ thể, Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, đã thiếu trách trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ; không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án. Tương tự, PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex, trong quá trình chỉ đạo điều hành còn nhiều thiếu sót, vi phạm; chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng Công ty CP Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗ của dự án hơn 1.472 tỷ đồng.
Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại PVN, Vinatex đã thiếu thường xuyên kiểm tra giám sát trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược ngành dầu khí; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch ngành; chưa thực hiện hết trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát và chuyển nhượng vốn của Vinatex và Tổng Công ty CP Phong Phú cho PVN. Những thiếu sót, vi phạm trên trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của PVN, Vinatex thời kỳ từ năm 2007 đến nay.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ chưa có hiệu quả kinh tế, lỗ hơn 1.400 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong chỉ đạo điều hành xây dựng dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ, những sai phạm của chủ đầu tư PVTex trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 và 2 của gói thầu EPC, kết quả đấu thầu gói thầu EPC, đều có liên quan đến chỉ đạo điều hành của PVN. Ngoài ra, việc chỉ đạo điều hành thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex trong việc thực hiện dự án còn thiếu thường xuyên, dẫn đến quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, dự án không hiệu quả.
Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư khi không tổ chức thẩm định; nội dung dự án không đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá 38.742.310 USD. Trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các vi phạm trên thuộc Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị PVTex.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex không tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở; sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu; hồ sơ mời thầu không yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong xây dựng Nhà máy xơ sợi đối với nhà thầu là một điều kiện quan trọng có tính quyết định đến sự thành công và hiệu quả dự án. Trách nhiệm thuộc Hội đồng quản trị, Tống giám đốc PVTex và đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVTex phê duyệt hồ sơ mời thầu nhưng không tổ chức thẩm định và có Báo cáo thẩm định; thư mời thầu thiếu thông báo thời điểm đóng thầu và mở thầu; nội dung hồ sơ mời thầu chưa phù hợp quy định; các chi phí trong nước không sử dụng bằng đồng tiền Việt Nam làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ 46.835.207.983 đồng khi thanh toán; nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị 23.046,6 USD và 8.091.364.419 đồng. Trách nhiệm thuộc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVTex, Tổ xét thầu, Tổ đàm phán ký kết họp đồng, Tư vấn quản lý dự án, Tư vấn giám sát và nhà thầu.
Hậu quả, sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án không đạt hiệu quả, kết quả kinh doanh thua lỗ 1.472.802 triệu đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, PVN, Vinatex là đại diện chủ sở hữu vốn tại PVTex đã chưa kịp thời xử lý những thay đổi phát sinh, còn nhiều thiếu sót và vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát; việc quản lý dự án của chủ đầu tư còn nhiều vi phạm dẫn đến kéo dài thời gian sản xuất thử, tiến độ thi công công tình chậm làm chi phí tăng cao, suất đầu tư lớn; lực lượng cán bộ, công nhân lớn làm tăng chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm tăng cao; trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành nhà máy còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ. Trách nhiệm liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án không hiệu quả thuộc Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex, PVTex.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu PVN đánh giá toàn diện thực trạng dự án, đề xuất phương án xử lý phù họp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Về xử lý trách nhiệm hành chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN, Vinatex thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm được phát hiện qua thanh tra như đã nêu trên.
Đối với PVN, Vinatex, các đơn vị góp vốn và PVTex, cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với người đại diện vốn tại PVTex và các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.
Đặc biệt, theo Thanh tra Chính phủ, kết quả thanh tra cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu; ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.