Để môi trường được cải thiện
(ANTĐ) - Sau một thời gian dài chuẩn bị, mới đây, Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ. Nếu được phê duyệt, dự kiến trong năm nay, những bước chuẩn bị đầu tiên sẽ được tiến hành để đưa Đề án vào cuộc sống trong những năm tiếp sau.
Lưu lượng người và xe trên đường khiến môi trường luôn bị ô nhiễm |
Kẻ thù chính của môi trường đô thị
Tuy chưa có một hệ thống quan trắc đầy đủ, hiện đại để cho ra những số liệu chính xác, đại diện cho chất lượng không khí tại các thành phố lớn, nhưng các kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn là đáng báo động. Các thành phố đều bị ô nhiễm bụi và các chất độc hại gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, dấy lên mối lo ngại về chất lượng xe cơ giới và chất lượng xăng dầu trong nước, đồng thời làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ con người.
Tính đến hết năm 2008, Việt Nam có trên 25 nghìn mô tô, xe máy được đăng ký sử dụng, trong đó 1/4 tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Số lượng mô tô, xe máy tăng mạnh trong những năm gần đây ở mức độ 2 con số, vượt tốc độ tăng dân số và GDP, tốc độ tăng ôtô sẽ mạnh lên trong nhiều năm tới.
Nguyên nhân phát thải lớn từ mô tô, xe máy nước ta là do chất lượng xăng còn thấp, kiểm soát khí thải xe sản xuất mới, nhập khẩu được thực hiện từ năm 2007 mới tương đương tiêu chuẩn Euro 2, chậm sau các nước trong khu vực từ 15-20 năm nên phần lớn mô tô, xe máy được đưa vào sử dụng từ trước tới nay có kết cấu, công nghệ lạc hậu. Mô tô, xe máy đang lưu hành ngoài việc phải đăng ký thì không chịu sự kiểm soát nào nên không được bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa tốt trong sử dụng.
Kết quả khảo sát cho thấy 59% mô tô, xe máy tại Hà Nội và 53% tại TP.HCM không đạt tiêu chuẩn khí thải 4,5% CO và 1.200 ppmHC, quá cao so với các nước trong khu vực... 70-90% ô nhiễm không khí tại các đô thị là do hoạt động giao thông vận tải gây ra.
Cần lộ trình và chính sách hợp lý
Theo Bộ GTVT, hiện nay, chúng ta chưa có một hệ thống chính sách hoàn chỉnh để kiểm soát ô nhiễm không khí nói chung cũng như kiểm soát ô nhiễm khí thải xe cơ giới, đặc biệt là mô tô, xe máy. Các biện pháp hiện hành như quy hoạch xây dựng và cải tạo hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông và phát triển giao thông công cộng… mới chỉ mang tính chất tạm tời chứ chưa đem lại hiệu quả rõ ràng. Chương trình 23 “Cải thiện chất lượng không khí các đô thị” mới đề ra các hướng nghiên cứu chứ chưa có biện pháp thực hiện.
Theo đề xuất, Đề án sẽ được thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố loại 1, loại 2 theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 2010-2011 là giai đoạn hình thành; 2012-2015 là giai đoạn triển khai mở rộng; sau 2015 sẽ là giai đoạn hoàn thiện, phát triển và đi vào chiều sâu.
Loại xe thuộc diện bị kiểm soát khí thải là các xe trên 10 tuổi, trên 7 tuổi và trên 3 tuổi, tương ứng với thời điểm quy định trên có hiệu lực sau 1 năm, 2 năm và 3 năm. Sau khi kiểm tra, xe đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp tem và giấy chứng nhận kiểm tra khí thải định kỳ có thời hạn 1 năm/lần, chi phí kiểm định là 50.000 đồng/lần. Trong quá trình tham gia giao thông, xe không có tem và giấy chứng nhận khí thải hoặc đã hết hiệu lực có thể bị phạt đến 300.000 đồng.
Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm, đến nay Đề án đã nhận được sự đồng tình của các Bộ, ngành và đang xin ý kiến của Chính phủ. Nếu được phê duyệt, trong quý II-2010, Đề án sẽ bắt đầu những công việc chuẩn bị đầu tiên như xây dựng tiêu chuẩn, đào tạo nhân lực, trang thiết bị, xây dựng lộ trình thực hiện, các thông tư hướng dẫn… Bước đầu, sẽ vẫn chỉ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 (tiêu chuẩn khí thải châu Âu cách đây 20 năm), thay vì Euro 4 do tiêu chuẩn xăng dầu nhập từ nước ngoài thấp và lượng xe cũ nhập khẩu lớn. Vì thế, mục tiêu kiểm định là sẽ đánh trượt khoảng 20-30% số xe “bẩn” nhất.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của Đề án vì nó có thể làm tăng gánh nặng cho người dân, chủ yếu là người dân nghèo phải sử dụng những xe cũ nát, hay với số lượng mô tô, xe máy quá lớn như hiện nay có thể gây tắc nghẽn tại các điểm kiểm tra...
Ông Trịnh Ngọc Giao cũng cho rằng, Đề án là một việc lớn, ảnh hưởng hầu như đến toàn dân, vì vậy sẽ cần đưa ra một chính sách và lộ trình hợp lý để không làm xáo trộn đời sống nhân dân. Việc kiểm soát khí thải vẫn là việc làm cần thiết để đảm bảo một môi trường trong sạch hơn tại các thành phố lớn.
Linh Nhật