Để lương đủ sống

ANTĐ - “Mục tiêu năm 2015 lương tối thiểu đủ sống còn viển vông lắm”. Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn nhận định như vậy tại hội thảo “Mức sống tối thiểu và cơ sở xác định mức lương tối thiểu và lương đủ sống” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức. Theo điều tra của Viện này, mức lương tối thiểu áp dụng từ 1-1-2013 chỉ đáp ứng 62-69% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

“Lương đủ sống” đã trở thành đề tài quá quen thuộc của các hội thảo, mục tiêu của nhiều cuộc cải cách tiền lương, nhưng đến nay người lao động vẫn chưa thể sống được bằng lương. Theo đại diện Tổ chức Oxfam, mức lương tối thiểu bắt đầu áp dụng chỉ đáp ứng 38% mức sống tối thiểu đã tăng nhiều lần nhưng chưa khi nào lương tối thiểu đủ sống. Nói rằng đầu tư cho lương là đầu tư cho con người, nhưng đặt trong hoàn cảnh nhà nghèo thì cái gì cũng phải căn ke, so đo. Nếu ngân sách chỉ đủ cho lương tối thiểu đảm bảo sống được thì không còn tiền để chi thường xuyên. Kinh tế tăng trưởng chậm và hiệu quả không cao, năng suất lao động trong những năm gần đây chỉ tăng 5%, trong khi lương tối thiểu đã tăng khoảng 15%. Lương phải gắn với năng suất lao động, khả năng chi trả của nền kinh tế.

Trong khu vực doanh nghiệp chủ yếu dựa vào sản xuất, hiệu quả kinh doanh, nếu lương không đủ sống thì công nhân sẽ bỏ việc hoặc đình công. Mặc dù có nhiều ý kiến đóng góp, hàng loạt đề tài nghiên cứu được thực hiện, song tới thời điểm này, việc cải cách tiền lương vẫn chưa hết “bùng nhùng”. Trong khi đó, một nghịch lý vẫn tồn tại từ lâu vừa được “giải phẫu” qua đề tài nghiên cứu “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” do Thanh tra Chính phủ thực hiện. Theo đó có tới 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương rất “phong phú, đa dạng” như tiền thưởng, tiền làm thêm, tiền khoán vượt thu, tiền bồi dưỡng, phong bì “bôi trơn”.

Nguyên nhân chủ yếu là đồng lương không đủ để cán bộ, công chức sống và tái tạo sức lao động. Nhiều năm cải cách mà lương vẫn thấp là do tiền lương không phản ánh bằng giá trị lao động. Do không đủ sống bằng lương nên họ phải tìm mọi cách “cải thiện” thu nhập. Nhóm tác giả nghiên cứu trên cảnh báo, nếu cán bộ, công chức sống và làm giàu chủ yếu bằng thu nhập ngoài lương như phong bì lót tay, bôi trơn, lại quả thì sẽ làm tha hóa cán bộ. Nguy hại hơn, bộ máy không được vận hành bằng luật, chỉ chạy khi có “dầu mỡ bôi trơn”.

Cái gốc của cải cách tiền lương, theo kiến nghị của một số chuyên gia, vẫn phải là cải cách gắn liền với tinh gọn bộ máy cán bộ, công chức. Về phía người lao động, cần xây dựng một mức lương chung cân bằng trong khu vực Nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới giảm được bất bình đẳng giữa các nhóm lao động hưởng lương tối thiểu.