Để giải ngân đầu tư công có hiệu quả cao, phải tăng cường giám sát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại phiên họp sáng 2-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu Quốc gia...

Tăng cường giám sát để việc giải ngân đầu tư công có hiệu quả

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trong nhiều năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các Luật, ban hành cơ chế, chính sách, quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo nhiều đổi mới quan trọng, căn bản trong lĩnh vực đầu tư công.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, lĩnh vực đầu tư công bị chi phối bởi không chỉ Luật Đầu tư công mà còn nhiều luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Việc thực hiện các các khâu trong quy trình cần tuân thủ một trật tự nhất định, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều hành, quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để việc giải ngân đầu tư công có hiệu quả cao, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hội tăng cường giám sát các Bộ, ngành, các địa phương mình hơn nữa.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại với những khó khăn, thách thức, rủi ro tiềm ẩn trong những tháng còn lại có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2022.

Nhiều ý kiến đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, cơ chế để giảm bớt quá tải, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những điểm nghẽn, tận dụng cơ hội để phát triển, cụ thể đối với những vấn đề như tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, than, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; kiểm soát lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất; quản lý kịp thời, hiệu quả thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thực sự là kênh huy động vốn đầu tư trong trung và dài hạn, hiệu quả cho doanh nghiệp…

Một số văn bản ban hành chậm tiến độ

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ phấn khởi trước ghi nhận của đại biểu Quốc hội về những kết quả đạt được, sự ủng hộ, tán thành của đại biểu đối với các giải pháp trong thời gian tới mà Chính phủ đã đề ra; đồng thời các đại biểu cũng đã cho ý kiến sâu sắc, trách nhiệm,về những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, lưu ý, tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội trường

Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, việc sớm ban hành chương trình này là nhờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội quan tâm, tổ chức nhiều phiên họp làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Đến nay về nhiệm vụ xây dựng chính sách cơ chế, đã ban hành 11/14 văn bản theo kế hoạch. Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra do đây Chương trình chính sách phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhiều cơ quan. Trước những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, các cơ quan cũng cần thận trọng.

Mặt khác, đây cũng là nhiệm vụ mới chưa có trong kế hoạch dài hạn, nên nhiều công việc chưa được chủ động. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ này.