Để đứa con trở thành trung tâm kết nối

ANTD.VN - Khi có con, hai bạn sẽ thực sự hòa làm một. Đó là khẳng định của một chuyên gia tâm lý chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa các bậc làm cha mẹ.

Dù có thể mang lại nhiều phiền toái, nhưng em bé chính là sợi dây gắn kết giữa cha và mẹ

Khi chưa có em bé, thật dễ dàng để có những phút giây lãng mạn hoặc tạo nên những niềm vui trong cuộc sống giữa 2 vợ chồng. Nhưng khi nhân vật thứ 3 này xuất hiện, mọi việc có vẻ khó khăn hơn nhiều người vẫn tưởng. Đó là khi bé quấy khóc vì vô vàn lí do, hay bé ốm bệnh cần cha mẹ chăm sóc suốt đêm, thậm chí bé cũng khiến việc nấu một bữa tối đơn giản trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nhưng theo Tiến sĩ Pamela Jordan, đến từ Khoa Chăm sóc trẻ và Gia đình thuộc tại Đại học Washington, Mỹ, thay vì để việc chăm sóc em bé lấy hết đi năng lượng của bạn hoặc khiến bạn thay đổi tâm trạng từ vui vẻ trở thành cáu gắt và mệt mỏi, hai bạn hãy cùng nhau chia sẻ công việc làm cha mẹ để em bé trở thành cầu nối giúp hai bạn yêu thương và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Hãy đặt ra những mong muốn thực tế. Cần học hỏi kinh nghiệm từ các ông bố bà mẹ khác về việc làm cha mẹ của họ. Hãy dành nhiều thời gian chăm sóc con cái để hiểu chúng như thể chúng chính là công việc lớn nhất trong cuộc đời bạn. Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng mỗi bậc cha mẹ, hay mỗi đứa trẻ đều có những khác biệt. Dù cho bạn có dành cho con nhiều thời gian đến đâu, bạn chắc chắn sẽ vẫn thấy ngạc nhiên vì những điều sẽ xảy ra đối với gia đình nhỏ của mình.

Trao đổi thông tin. Một trong những điều quan trọng là cần phải chia sẻ với người bạn đời của mình những mong muốn của bản thân về chính bạn hay “nửa kia” trong việc làm cha mẹ. Nếu người cha mong muốn người mẹ làm tất cả mọi việc liên quan đến con cái trong khi người mẹ muốn được chia sẻ, rắc rối đã bắt đầu tìm đến. Hãy cởi mở và nói thật ra những mục tiêu của bản thân, từ đó cùng nhau bàn bạc về một kế hoạch thực tế để khiến hai bên cùng cảm thấy thoải mái và vui vẻ.

Đừng mong đợi “nửa kia” sẽ đọc được suy nghĩ của bạn. Khi bạn đặt ra những kỳ vọng của mình, hãy biến chúng thành thực tế. Việc trao đổi thông tin với nhau không chỉ dừng lại ở đây. Nếu bạn chưa nhận được sự chia sẻ từ phía đối tác, ví như tại sao người chồng không chăm sóc con cái ngay sau khi đi làm về, người vợ cần nói thẳng ra những gì mình muốn. 

Hãy biết lắng nghe. Nếu như người bạn đời gặp những điều phiền toái, hãy lắng nghe, nhưng đừng cố gắng giải quyết những vấn đề đó ngay lập tức. Điều quan trọng là chia sẻ và động viên họ. Ví dụ, nếu người vợ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì bé quấy khóc cả ngày, đừng ngay lập tức đi tìm nguyên nhân vì sao cô ấy dỗ bé mà bé không nín khóc. Thay vào đó chỉ cần hiểu và cảm thông với cô ấy, nói với cô ấy rằng bạn sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi cô ấy cần.

Cùng luân phiên thức trông con. Thiếu ngủ và mệt mỏi là một trong những thách thức lớn nhất trong vài tháng đầu tiên khi bắt đầu làm cha mẹ, và điều này có thể dẫn đến nhiều căng thẳng. Vợ chồng cần phải giúp đỡ lẫn nhau và luân phiên trông con cũng như ngủ bù để đảm bảo sức khỏe. 

Bạn là số 1. Dù bận bịu con mọn, bạn cũng cần chăm sóc sức khỏe của bản thân. Cho dù đó có thể là ra ngoài chơi thể thao cùng mọi người hoặc tụ tập với bạn bè, điều quan trọng là dành thời gian nhất định trong tuần để làm những việc mình yêu thích. Nhưng bạn cũng cần phải bàn bạc trước với vợ/chồng mình để người kia có thể thu xếp thời gian ở nhà trông con để bạn thoải mái ra ngoài mà không cần lo lắng về em bé.

Quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Mối quan hệ vợ chồng cũng là một ưu tiên hàng đầu cần vun đắp. Nếu có thể, hãy nhờ người trông con để có thể cùng nhau ra ngoài ăn tối, hay đơn giản là ru bé ngủ sớm hơn thường lệ để có thời gian dành cho nhau, điều đó sẽ giúp hâm nóng ngọn lửa cảm xúc. Điều này không chỉ tốt cho 2 vợ chồng mà cũng là điều tuyệt vời đối với đứa con.

Một triển vọng mới. Những tháng đầu đời của em bé luôn ngập tràn những điều mới mẻ, và điều này cũng đúng đối với những người bắt đầu làm cha mẹ. Hãy dành thời gian để chú ý đến vợ hoặc chồng bạn trong vai trò mới. Việc người chồng thay tã cho em bé, hay người vợ cho bé bú đều rất đáng yêu, và khi chia sẻ cho nhau, các cặp vợ chồng lại yêu nhau thêm một lần nữa.

Làm việc nhóm. Hãy nhớ rằng hai vợ chồng đang cùng một đội. Dù người chồng ở nhà trông con để người vợ có thể ra ngoài trong chốc lát, hoặc người vợ cho bé ăn khi người chồng tranh chủ chợp mắt, mục tiêu cuối cùng của hai bạn là giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc em bé và duy trì một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Đó cũng chính là cho và nhận, và rất nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc đều chia sẻ rằng điều này thực sự có giá trị.