ĐBQH: Ủng hộ việc cho phép Hà Nội thử nghiệm cơ chế mới song cần kiểm soát chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số đại biểu Quốc hội góp ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở nhiều lĩnh vực, việc này nên tiếp cận theo hướng thận trọng hơn...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Sáng 26-3, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5 - nhiệm kỳ khóa XV đã thảo luận vào một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 54 điều; giảm 5 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Dù vậy, hiện còn 7 vấn đề lớn vẫn đang có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

Thảo luận tại hội nghị, đa số ĐBQH đánh giá hồ sơ dự thảo Luật được các cơ quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng; cơ bản thống nhất với bố cục và nhiều nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý.

Đi vào các nội dung cụ thể, nhiều ĐBQH cùng chung quan điểm cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho Hà Nội tùy theo điều kiện thực tế Thủ đô.

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận

Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu thảo luận

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phân tích, có tới hơn 80 nội dung trong dự thảo Luật giao HĐND TP Hà Nội quy định chi tiết. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Vì thế, ông An đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội lên 150 đại biểu, trong đó khoảng 30% đại biểu chuyên trách.

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội góp ý, dự thảo luật cần bổ sung 1 điều về tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND. Với đặc điểm, đặc thù của Hà Nội thì cần trao cho thành phố quyền tự tổ chức cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện của mình, bên cạnh khung cứng đã được Chính phủ quy định.

Một số ĐBQH khác cũng ủng hộ việc phân cấp phân quyền, mạnh dạn cho Hà Nội được thử nghiệm các cơ chế mới, cơ chế đặc thù, song cần có kiểm soát.

Theo dự thảo luật, UBND TP Hà Nội dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận

Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở nhiều lĩnh vực, nhưng nên tiếp cận theo hướng thận trọng hơn.

“Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế” – ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, một số ĐBQH góp ý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đồng thời, cần luật hóa việc khai thác các dòng sông vào phát triển đô thị của Hà Nội để khai thác những tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn hai bên sông…