ĐBQH: Ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số sẽ giúp xoá bỏ "tín dụng đen"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo các ĐBQH, sửa Luật Các tổ chức tín dụng nhưng lại chưa nhấn mạnh đến chuyển đổi số trong ngành ngân hàng thì khó đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là quản lý và phòng ngừa rủi ro...
ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận tổ tại đoàn Hà Nội

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận tổ tại đoàn Hà Nội

Chiều 5-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Qua thảo luận tại các tổ, đa số ĐBQH thống nhất sự cần thiết thông qua luật này nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng…

Tại tổ Hà Nội, ĐB Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tán thành với nhiều nội dung tại dự thảo luật này và đề nghị nên thông qua luật theo quy trình 2 kỳ họp, tức xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023 chứ không nên kéo dài trong 3 kỳ họp.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng đề xuất thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong 2 kỳ họp.

Đi vào một số nội dung cụ thể, ông Cường cho biết, dự thảo Luật đã hướng đến tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, song vẫn nặng về phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng. Theo ông, nên nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro, thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý.

Về giải pháp, ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát hoạt động tín dụng hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều nhờ chuyển đổi số. Thế nhưng tại dự thảo luật hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96.

Ông Cường cho rằng như vậy là không đủ, việc sửa luật này cần phải nhấn mạnh vào chuyển đổi số.

ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) thảo luận tổ

ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) thảo luận tổ

Tại tổ thảo luận số 8, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cũng góp ý, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng và về cơ bản nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010. Quy định như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số đặt ra cho ngành ngân hàng.

“Quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp” – bà Yên nói.

Trên cơ sở đó, ĐB Tạ Thị Yên kiến nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo dự luật bổ sung quy định về ngân hàng số tại Dự thảo Luật này, với nội dung cơ bản: “Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam”.

Ngoài ra, nữ ĐB cũng góp ý thêm một vấn đề khác mà Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn chưa đề cập, đó là xoá bỏ tín dụng đen.

Theo bà, vừa qua, lực lượng Công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp - điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.

Để xoá bỏ tín dụng đen, cần giải quyết tận gốc vấn đề: Người dân trong xã hội có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.

“Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ” – ĐB Tạ Thị Yên góp ý.